Với nhiều doanh nghiệp, khi nhắc đến mô hình Cloud Computing, với họ có vẻ như là một điều gì đó có phần hơi thần bí. Nhưng trên thực tế, nó không khác gì kiến trúc điện toán truyền thống. Bài viết này, các bạn hãy cùng điểm qua 4 dịch vụ Cloud Computing mà đa phần chúng ta vẫn hay sử dụng ngày nay nhé.
Nhắc lại về Cloud Computing
Về cơ bản Cloud Computing vẫn dựa trên cùng một phần cứng máy chủ vật lý. Sự khác biệt chính nằm ở kiến trúc đám mây. Nó chuyển hoá sức mạnh và khả năng xử lý của phần cứng đó và đưa nó lên môi trường Internet.
Và một khi đã ảo hoá lên Internet như vậy rồi, nó cho phép các nhà cung cấp điện toán đám mây sử dụng các máy chủ được phân phối trên khắp thế giới để tạo thành một mạng điện toán mạnh mẽ. Điều đó có nghĩa là bạn ở đây nhưng vẫn có thể sử dụng được các hệ thống máy chủ ở đâu đó bên kia bán cầu. Để hiểu hơn về Cloud Computing, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của Viettel IDC.
4 loại dịch vụ Cloud Computing khác nhau
Tất cả các dịch vụ Cloud Computing công cộng được xây dựng dựa trên cùng một khuôn khổ. Nó dựa trên khái niệm về cơ sở hạ tầng từ xa được cung cấp bởi các máy chủ đặt trong một trung tâm dữ liệu nào đó.
Để mọi người dễ hình dung, chúng ta sẽ xếp các loại hình dịch vụ này vào một mô hình kim tự tháp gồm 3 lớp khác nhau. Chúng dựa trên cùng một cấu trúc, chỉ khác nhau ở thiết kế cơ của của mỗi lớp. Các lớp dưới rộng hơn, thể hiện tính linh hoạt, khả năng tùy chỉnh và phạm vi ứng dụng rộng rãi của chúng. Trong khi các lớp trên hẹp hơn vì chúng được xây dựng để giải quyết một bài toán cụ thể nào đó của người dùng.
Dưới đây là 4 loại dịch vụ Cloud Computing mà chúng ta thường gặp. Thử tìm hiểu xem nó có gì nhé.
IaaS – Infrastructure as a Service
Là tầng dưới cùng của nền tảng của kim tự tháp điện toán đám mây. IaaS là loại dịch vụ Cloud Computing toàn diện và linh hoạt nhất hiện có. Về cơ bản, nó cung cấp một cơ sở hạ tầng điện toán hoàn toàn ảo hóa được cung cấp và quản lý qua internet.
Nhà cung cấp IaaS sẽ giữ vai trò quản lý phần cơ sở hạ tầng vật lý như máy chủ, không gian lưu trữ dữ liệu,… trong trung tâm dữ liệu. Họ cho phép người dùng tùy chỉnh đầy đủ các tài nguyên ảo hóa đó để phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ. Với IaaS, khách hàng có thể mua, cài đặt, cấu hình và quản lý bất kỳ phần mềm nào họ cần sử dụng. Với khả năng mở rộng cao và linh hoạt, các công ty chỉ trả tiền tương ứng với phần tài nguyên ảo mà họ sử dụng.
Điều này giải quyết được vấn đề đầu tư ban đầu xây dựng hệ thống của người dùng. Họ không cần phải tốn quá nhiều chi phí, trong khi vẫn có thể sử dụng được những hạ tầng “khủng” như ý muốn. Microsoft Azure, Amazon Web Services (AWS),… là những ví dụ điển hình cho dạng dịch vụ Cloud Computing này.
PaaS – Platform as a Service
Tầng thứ hai trên kim tự tháp Cloud Computing là PaaS. Nếu như IaaS cung cấp tất cả các công cụ có sẵn thông qua đám mây và giao toàn quyền cho khách hàng sử dụng thì PaaS có phần chuyên biệt hơn một chút.
PaaS cung cấp những “bộ kit” cần thiết để xây dựng, thử nghiệm, triển khai, quản lý và cập nhật các sản phẩm phần mềm. Nó vừa sử dụng cơ sở hạ tầng giống như IaaS. Nhưng nó cũng cung cấp thêm các công cụ khác như hệ điều hành, phần mềm trung gian,… cần thiết để tạo các ứng dụng phần mềm.
Hiểu nôm na, với PaaS, thứ mà doanh nghiệp nhận được không chỉ là hạ tầng mà còn là các công cụ phục vụ cho việc phát triển sản phẩm của họ. Một số ví dụ Cloud Computing dưới hinh thức PaaS như AWS Elastic Beanstalk, Apache Stratos, Google App Engine, Microsoft Azure,…
SaaS – Software as a Service
Dịch vụ này nằm ở đỉnh kim tự tháp Cloud Computing. Đa phần mọi người sẽ quen và nghe nhiều đến hình thức Cloud Computing này hơn cả. Bởi đơn giản nó là một giải pháp phần mềm gần như hoàn chỉnh. Nó được đóng gói để cung cấp đến người dùng trực tiếp qua Internet chỉ bằng thao tác đăng ký để sử dụng mà thôi.
Với hình thức Cloud Computing này, nó tối ưu gần như hoàn toàn các yêu cầu đối với người dùng cuối. Thậm chí, một số ứng dụng SaaS còn triển khai qua trình duyệt web, doanh nghiệp không cần phải vất vả với các thao tác cài đặt thông thường. Lúc này, nhà cung cấp SaaS làm tất cả. Từ việc quản lý cơ sở hạ tầng, hệ điều hành, phần mềm trung gian và dữ liệu cần thiết để cung cấp chương trình, đảm bảo rằng phần mềm luôn sẵn sàng mọi lúc mọi nơi mà khách hàng cần.
Các ứng dụng Cloud Computing dưới dạng SaaS này cho phép các doanh nghiệp thiết lập và chạy rất nhanh. Đồng thời việc mở rộng quy mô hoạt động cũng diễn ra nhanh chóng không kém. Microsoft Office 365, Salesforce, Cisco WebEx, Google Apps,… là những ví dụ điển hình của hình thức Cloud Computing theo dạng SaaS này.
FaaS – Function-as-a-Service
Cloud Computing dưới dạng FaaS này thường được gọi là điện toán không máy chủ. Nghĩa là bạn có thể tiến hành một công việc nào đó mà không cần phải chuẩn bị trước tài nguyên cần thiết. Thay vào đó, bạn sẽ khai báo cho nền tảng biết cách cung cấp tài nguyên khi ứng dụng của bạn được thực thi trên đó. Việc còn lại FaaS sẽ xử lý.
Như vậy, trong quá trình bạn thực thi một ứng dụng bất kỳ, quy mô của hạ tầng có thể tự động thay đổi. Việc thay đổi này dựa trên những biến động về khối lượng công việc bạn đang thực hiện. Do đó, bạn chỉ phải trả tiền cho những phần tài nguyên nào mà bạn sử dụng mà thôi.Một số ví dụ về Cloud Computing theo hình thức FaaS như AWS Lambdas, Azure Functions,…
Kết luận
Với Cloud Computing, các dịch vụ của nó phủ kín gần như mọi nhu cầu của người dùng. Và nó cũng phù hợp với từng mức độ chuyên môn của người sử dụng. Càng lên trên đỉnh tháp Cloud Computing, người dùng càng trở nên “nhàn” hơn. Bởi lẽ, đa phần đó đều là những sản phẩm hoàn chỉnh và cung cấp đến người dùng cuối rồi.
Tuỳ vào nhu cầu mà chúng ta có thể lựa chọn những loại hình dịch vụ khác nhau. Không phải lúc nào “nhàn” cũng là điều có lợi. Hi vọng rằng, với những thông tin bài viết cung cấp đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các dịch vụ này. Hãy sử dụng nó như một nguồn tham khảo cho các lựa chọn sau này của doanh nghiệp bạn.
Nguồn: viettelidc.com.vn