Thị trường Thương mại Điện tử ở Việt Nam có xu hướng tăng trưởng nhanh chóng kể từ năm 2015 đến nay trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên để nói về sự bùng nổ thì phải kể đến năm 2019 – một năm phát triển vượt bậc, thu về 10,08 tỷ USD và đã có hơn 44,8 triệu người sử dụng. Hứa hẹn trong năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có khả năng lên tới 13 tỷ USD.
Phát triển nhanh chóng
Năm 2016, có 46% dân số Việt Nam sử dụng internet và tăng thêm 6% vào năm 2017. Tại thời điểm này, chỉ có 58% số người truy cập internet đã từng mua hàng trực tuyến. Loại hàng hóa được mua trực tuyến phổ biến là đồ công nghệ và điện tử (chiếm 60%), quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng, sách và văn phòng phẩm.
Năm 2018 giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017. Năm 2019 là năm đánh dấu nhiều sự thay đổi của thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn 5 năm thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020. Số người tham gia mua sắm trực tuyến cán mốc 44,8 triệu người năm 2019.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thương mại điện tử bán lẻ sẽ lên tới 13 tỷ USD, cao hơn so với mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 (đạt 10 tỷ USD vào năm 2020).
Động lực mạnh mẽ
Sự tăng trưởng bứt phá của Thương mại điện tử đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Đây là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế của thế giới. Dưới đây là những yếu tố cơ bản tác động đến sự phát triển nhanh chóng của Thương mại điện tử Việt Nam những năm gần đây.
1. Tiếp cận của các doanh nghiệp và nhà bán lẻ đối với bán hàng đa kênh
Nếu như những năm trước đây, việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử còn khá mới mẻ đối với những nhà bán lẻ thì bây giờ bất cứ ai có nhu cầu kinh doanh đều có thể tự do bán hàng trên nhiều kênh bán khác nhau.
Với sự phát triển của bán hàng đa kênh, việc bán hàng trên web không đáp ứng được nhu cầu mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, buộc họ phải mở rộng kênh bán.
Mô hình đa kênh (omnichannel) bao gồm các kênh online (website, Facebook, Zalo…) và các kênh offline (trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý…) được tích hợp đồng bộ vào một hệ thống.
2. Thay đổi thói quen tiêu dùng
Thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam có những thay đổi tích cực. Từ việc chỉ quen với giao dịch truyền thống, mặt đối mặt, được cầm, ngắm và có thể được thử sản phẩm, thì nay họ đã dần tiếp cận và yêu thích hình thức mua sắm trực tuyến.
Theo thống kê, đa số các giao dịch đều phát sinh trên các thiết bị điện thoại di động, khác với một vài năm về trước, đa số các giao dịch phát sinh đều từ máy tính bàn. Lý do là các thiết bị di động ngày nay đều được cải tiến các chức năng để phù hợp hơn với xu hướng nhu cầu người dùng.
Đầu năm 2020, sự bùng nổ của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng to lớn đến sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Các chính sách giãn cách cộng đồng, cách ly xã hội hay làm việc tại nhà.. đã phát sinh nhiều hơn nhu cầu mua sắm trực tuyến, vượt xa khỏi ước tính của nền thương mại điện tử.
3. Thị trường tiềm năng trong khu vực
Là một thị trường non trẻ với tốc độ phát triển vượt trội so, Thương mại điện tử Việt Nam đang trở thành một “miếng bánh ngon” được các nhãn hàng, nhà bán lẻ, nhà đầu tư nhắm đến. Những “gã khổng lồ” Thương mại điện tử, mà cụ thể là các nhà đầu tư từ Trung Quốc đã không giấu nổi tham vọng với thị trường Việt Nam khi liên tục rót vốn, bất chấp lỗ “đậm” trong giai đoạn đầu.
- 3/2018, Tập đoàn Alibaba đổ thêm 2 tỷ USD vào Lazada để tăng khả năng cạnh tranh.
- Năm 2018, sàn TMĐT Sendo kêu gọi được 51 triệu USD từ SBI Holdings Nhật Bản…
- Tiki cũng được tập đoàn JD bổ sung vào khoản đầu tư 44 triệu USD đã nhận trong năm 2017. Đến tháng 9/2018, công ty này tiếp tục nhận thêm 122 tỷ đồng từ VNG.
- Với Shopee Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018, cũng được công ty mẹ là Tập đoàn SEA (Singapore) bổ sung thêm hơn 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ…
Đây là tín hiệu tích cực đối với những người bán hàng online trên các kênh thương mại điện tử. Với những khoản đầu tư lớn để triển khai các kế hoạch thu hút người sử dụng, người bán hàng sẽ là những người được hưởng lợi nhất. Quá trình mua bán trên các kênh thương mại điện tử sẽ càng trở nên chuyên nghiệp và người mua cũng sẽ gia tăng số lượng giao dịch.
4. Bùng nổ phương thức Thanh toán trực tuyến
Các hình thức thanh toán trực tuyến thông qua thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán trực tuyến, hình thức thanh toán trung gian (Ngân Lượng, Bảo Kim, Momo, ZaloPay…) trở nên phổ biến hơn, giúp cho người dùng thuận tiện trong việc mua và bán, đồng thời tăng sức mua hàng và đơn hàng cho doanh nghiệp.
Xu hướng thanh toán trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ khi có đến 21% các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ được thực hiện onine
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường cũng tạo cơ hội cho việc thanh toán trực tuyến bùng nổ khi Chính Phủ thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh việc mang đến cơ hội cho thanh toán không dùng tiền mặt, đại dịch Covid-19 đóng vai trò như “cú hích” làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.
Với đa số các giao dịch đều được thực hiện bằng việc thanh toán trực tuyến. Nhà bán lẻ online như Bách Hóa Xanh đạt doanh thu tăng đến 49% so với quý I năm 2020, khi mà người tiêu dùng ở nhà tránh dịch nhiều hơn.
Tương tự, đại diện Grab cho biết dịch vụ giao nhận hàng hóa GrabDelivery và giao nhận đồ ăn GrabFood tăng trưởng khá cao. Dịch vụ di chuyển cũng không quá biến động, tuy GrabCar có giảm nhẹ nhưng GrabBike lại “đắt hàng” hơn.
5. Giao hàng thương mại điện tử
Nhu cầu mua sắm trực tuyến càng cao thì yêu cầu đối với các đơn vị vận chuyển càng lớn. Vấn đề được quan tâm nhất là dịch vụ khách hàng: Thời gian giao hàng? Có được kiểm tra hàng trước khi thanh toán? Phí vận chuyển phải chăng?
Các doanh nghiệp nội địa có thế mạnh như VNPost, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm.. liên tục nâng cấp dịch vụ của mình cùng việc mở rộng hệ thống bưu cục rộng khắp cả nước.
Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ về vận tải như Grab, Go-Viet cũng đã phát triển dịch vụ giao hàng, các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee… cũng đã tách riêng các bộ phận logistic để tham gia vào cuộc chiến “ai nhanh người đó thắng” này.
Với các doanh nghiệp thương mại điện tử, giao nhận do doanh nghiệp đảm nhận giúp tiết giảm thời gian xử lý đơn hàng, giảm chi phí vận hành và tạo ra sự khác biệt trong dịch vụ cung ứng.
Điểm hẹn trong tương lai
Năm 2020 có thể nói là một năm thành công đối với nền Thương mại điện tử Việt Nam. Kết quả tăng trưởng 5 năm tới có thể sẽ vượt kế hoạch.
Giai đoạn 2021-2025 hứa hẹn sẽ là thời điểm thương mại điện tử Việt Nam lên ngôi và trở thành một trong những lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng chung của khu vực. Theo kế hoạch tăng trưởng, thương mại điện tử hàng năm sẽ tăng lên 25% vào năm 2025, ước tính 10 năm nữa thương mại điện tử sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán hàng B2C.
Nguồn: blog.boxme.asia