Mặc dù chỉ chiếm gần 4% lực lượng lao động nhưng ngành nông nghiệp Pháp đủ sức nuôi toàn dân. Bí mật là gì?
Bí mật đưa Pháp trở thành ‘cường quốc nông nghiệp’ kín tiếng ở châu Âu: Nông sản luôn có chất lượng số 1, nông dân dư sức sống với nghề
Giá thịt lợn tại Việt Nam đang là một chủ đề thu hút được sự quan tâm của dư luận khi lên xuống khá thất thường. Tình trạng thừa thiếu thịt lợn diễn ra đầy biến động trên thị trường trong khi người chăn nuôi lợn luôn ở vào tình trạng bấp bênh.
Vậy điều gì đang diễn ra và những bài học của các nước thành công với nông nghiệp có thể giúp ích được gì cho Việt Nam? CafeBiz xin gửi tới quý độc giả series những bài viết, những câu chuyện hay về cách quy hoạch nông nghiệp của các nước trên thế giới.
Mở đầu series này sẽ là bài viết về cách nước Pháp vươn lên thành “cường quốc nông nghiệp” ở châu Âu dù có xuất phát lạc hậu trong nghề nông.
Một số chuyên gia hiện nay cho rằng ngành chăn nuôi Việt Nam quá phụ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩu dù mang tiếng là nước nông nghiệp. Trong vòng 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu tới 2,93 tỷ USD thức ăn chăn nuôi. Việt Nam hiện đang là nhà nhập khẩu ngô lớn nhất ở Đông Nam Á và được dự đoán sẽ là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ 5 trên toàn cầu vào năm 2022.
Bí mật đưa Pháp trở thành cường quốc nông nghiệp kín tiếng ở châu Âu: Nông sản luôn có chất lượng số 1, nông dân dư sức sống với nghề – Ảnh 2.
Trên thực tế, Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á và thứ 10 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi nhưng nguồn nguyên liệu sản xuất chúng lại phụ thuộc chủ yếu từ nước ngoài. Hiện khoảng 85% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam là phải nhập khẩu với mức giá biến động.
Hệ quả là thức ăn chăn nuôi trong nước luôn cao hơn khu vực khoảng 10-15% tùy tình hình, khiến giá thịt lợn biến động mạnh mỗi khi thị trường quốc tế có thay đổi.
Bên cạnh đó, việc phát triển manh mún ở quy mô hộ gia đình cũng khiến ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam không đảm bảo ổn định được về giá. Theo thống kê chỉ có 20% thị phần là chăn nuôi công nghiệp, còn lại là các hộ gia đình hay những trang trại nhỏ lẻ.
Rõ ràng, việc quy hoạch được một hệ thống cho ngành chăn nuôi là vô cùng cần thiết để đảm bảo tính ổn định trên thị trường. Hãy cùng nhìn một số quốc gia quy hoạch nông nghiệp như thế nào để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân.
“Made in France”
Nói đến nước Pháp, có lẽ không nhiều người xa lạ với nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới theo GDP danh nghĩa và lớn thứ 2 tại Châu Âu. Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết rằng nền nông nghiệp Pháp cũng đứng thế 6 thế giới về sản lượng và đứng đầu Liên minh Châu Âu (EU). Thậm chí, xuất khẩu nông sản của nước này đứng thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Hà Lan và Đức.
Mặc dù nổi tiếng với ngành nông nghiệp như vậy nhưng ít có ai biết rằng Pháp cũng từng là nước vô cùng lạc hậu trong nghề nông, thậm chí không thể tự cung tự cấp thực phẩm cho người dân. Thế nhưng nhờ quy hoạch tốt cùng ứng dụng công nghệ kỹ thuật, mọi chuyện đã thay đổi.
Bí mật đưa Pháp trở thành cường quốc nông nghiệp kín tiếng ở châu Âu: Nông sản luôn có chất lượng số 1, nông dân dư sức sống với nghề – Ảnh 3.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm một trang trại lợn
Ngày nay, thế hệ nông dân trẻ ở Pháp coi nông nghiệp là một ngành nghề đòi hỏi kỹ năng không kém gì những công việc khác. Người nông dân phải quy hoạch đất trồng, tính toán lượng phân bón, thuốc trừ sâu, trồng hay chăn nuôi thứ gì để đem lại lợi nhuận nhất.
Những sản phẩm nông sản “Made In France” luôn là niềm tự hào của nước Pháp khi mỗi nông dân tạo ra được thêm 5-7 việc làm cho ngành chăn nuôi hay chế biến. Mặc dù chỉ chiếm gần 4 % lực lượng lao động nhưng ngành nông nghiệp Pháp đủ sức nuôi toàn dân.
Nông nghiệp đóng vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế khi đóng góp 3% tổng GDP. Đặc biệt, những sản phẩm nông nghiệp của Pháp như rượu vang, sữa, thịt bò, củ cải đường… đều có sản lượng và chất lượng hàng đầu thế giới.
Để làm được điều này, chính phủ Pháp thành lập một hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vô cùng chặt chẽ. Theo Bộ nông nghiệp và thực phẩm Pháp, nước này thực hiện khoảng 30.000 cuộc kiểm tra với các doanh nghiệp và 60.000 cuộc kiểm tra với các cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo hàng nông sản của nước này luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tại các trang trại, động vật chăn nuôi được gắn mã số suốt đời, được kiểm nghiệm hàng tuần về chất lượng và sẽ bị phạt nặng cũng như hủy bỏ nếu vi phạm.
Ngoài ra, Pháp thành lập khá nhiều các nghiệp đoàn nhằm đảm bảo chất lượng thịt giết mổ cũng như những sản phẩm nông sản khác. Nổi tiếng nhất trong số đó là nghiệp đoàn đa nghề (Fict) và Hội liên ngành rau củ quả (Interfel).
Bên cạnh đó, chính quyền Paris cũng lưu ý đến môi trường sinh thái khi dưa ra chương trình hạn chế sử dụng hóa chất trong các sản phẩm động thực vật, qua đó giảm gần 40% lượng kháng sinh sử dụng cũng như tiết kiệm chi phí.
Về lực lượng bác sĩ thú y, hàng năm Pháp chỉ đào tạo khoảng 140 người. Dù số lượng không cao nhưng chất lượng của những bác sĩ này rất tốt khi các học viên phải trải qua nhiều kỳ thi khắc nghiệt, thậm chí khó hơn cả việc trở thành một bác sĩ thường. Hiện Pháp có khoảng 1.000 bác sĩ thú y công và 17.000 bác sĩ thú y tư.
Giải quyết đầu ra
Một yếu tố nữa khiến nông sản Pháp duy trì được đà tăng trưởng là do chính phủ giải quyết tốt vấn đề đầu ra. Nghiệp đoàn Fict được thành lập từ năm 1924 với 309 doanh nghiệp, 37 nghìn lao động và 1,2 triệu tấn sản phẩm thịt hàng năm với tôn chỉ đảm bảo chất lượng của thịt Pháp cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm này. Trong khi đó, Interfel được thành lập vào năm 1976, chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường, phân phối, vận chuyển… về rau quả cho các trang trại Pháp.
Bí mật đưa Pháp trở thành cường quốc nông nghiệp kín tiếng ở châu Âu: Nông sản luôn có chất lượng số 1, nông dân dư sức sống với nghề – Ảnh 4.
Nhờ những nghiệp đoàn này, người nông dân Pháp chỉ cần tập trung vào chất lượng sản phẩm cũng như sản xuất thay vì phải phân tâm tìm đầu ra.
Pháp đứng đầu Châu Âu về sản lượng củ cải đường với 29 triệu tấn mỗi năm, đồng thời đứng đầu thế giới về sản lượng rượu vang với 5,3 triệu tấn mỗi năm. Quốc gia này đứng thứ 2 Châu Âu về sản lượng sữa với 23,3 triệu tấn và cung cấp tới hơn 1,8 triệu tấn thịt cho thị trường khu vực hàng năm.
Không chỉ nhờ quy trình kiểm duyệt khắt khe, việc giá nông sản ở Pháp đủ cao cũng khiến người nông dân có thể sống với nghề. Rất nhiều trang trại nhỏ hiện nay trồng theo phong cách thân thiện môi trường (hữu cơ) và đem nông sản bán tại các chợ địa phương. Đầu ra của họ chủ yếu là những gia đình chuộng nông sản sạch hoặc những đầu bếp nhà hàng, khách sạn trong vùng.
Trong tổng số hơn 550.00 km2 đất tự nhiên, diện tích đất dành cho nông, lâm nghiệp của Pháp chiếm gần 82%.
Có lẽ, nhờ chất lượng nông sản tuyệt vời như vậy mà nền ẩm thực của Pháp mới có thể nổi tiếng khắp toàn cầu như ngày nay.
*Nguồn: New York Times, France24…