Ý tưởng cơ bản của công nghệ Blockchain là có thể đảm bảo tính toàn vẹn và nhất quán của các loại cơ sở dữ liệu, do đó vai trò của các bên thứ ba đáng tin cậy (tổ chức chứng nhận, kiểm toán viên, công chứng viên, ngân hàng, v.v..) trở nên dư thừa.

Blockchain có thể được sử dụng để tạo thành các hồ sơ minh bạch và đáng tin cậy, có khả năng lưu trữ thông tin hữu ích cho người sử dụng theo cách có thể kiểm chứng và không thể thay đổi. Blockchain sẽ là một công nghệ đột phá cho tương lai hay đơn giản là nguồn hy vọng sai lầm? Được biết đến thông qua các loại tiền điện tử, hiện Blockchain đang được thử nghiệm trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp. Bài báo trình bày tổng quan về những lợi ích cũng như hạn chế của việc ứng dụng Blockchain trong ngành thực phẩm nông nghiệp.

Từ sự ngỡ ngàng về những tiềm năng của Blockchain…

Theo kết quả nghiên cứu của Juniper Research “Blockchain: Key Vertical Opportunities, Trends & Challenges 2019-2030″, Blockchain và IoT đã sẵn sàng để cách mạng hóa ngành công nghiệp thực phẩm. Blockchain có thể làm giảm gian lận thực phẩm tới 31 tỷ đô la vào năm 2024, thông qua việc giám sát các sản phẩm thực phẩm được phân phối trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Cụ thể, công nghệ Blockchain mang lại “giá trị gia tăng cho các sản phẩm có thuộc tính tin cậy do tăng tính minh bạch và đảm bảo”. Điều này có thể cung cấp cho các nhà sản xuất một lợi thế đáng kể, do có quyền truy cập tốt hơn vào thị trường toàn cầu và liên hệ trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Vì sẽ không cần trung gian, Blockchain sẽ cung cấp cho người tiêu dùng mức giá công bằng hơn và chi phí giao dịch thấp hơn.

Do tính minh bạch được cải thiện, độ tin cậy và giá trị của chứng chỉ sẽ tăng lên. Các tổ chức chính phủ và các tổ chức tiêu chuẩn sẽ có dữ liệu đáng tin cậy và một quy trình quản lý hiệu quả hơn. Đây là quan điểm rộng rãi được nhiều công ty khởi nghiệp đề xuất sử dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực nông nghiệp.

Blockchain và chuỗi cung ứng thực phẩm nông nghiệp: Hy vọng hay hồ nghi? - Ảnh 1.

Blockchain sẽ giúp chống gian lận thực phẩm, đặc biệt là việc dán nhãn gian lận của các sản phẩm thực phẩm. Các cảm biến và các ứng dụng giám sát IoT được sử dụng để hợp lý hóa việc phân phối bằng cách cải thiện chuỗi cung ứng của các nhà bán lẻ, làm phong phú toàn bộ chuỗi giá trị thực phẩm. Các quy trình phân phối sản phẩm sẽ được thay thế bằng các hợp đồng thông minh, tự động sẽ cắt giảm chi phí và rủi ro và cải thiện tính minh bạch trong giao dịch.

Ứng dụng Blockchain trong chuỗi cung ứng thực phẩm, làm giảm số lượng trung gian. Theo cách này, “hợp đồng thông minh” cho phép người dùng lập trình trước việc thực hiện giao dịch tự động mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người, tùy thuộc vào các tiêu chí được xác định trước (ví dụ: thanh toán yêu cầu bảo hiểm cho thu hoạch sau khi kiểm tra ảnh được gửi qua điện thoại thông minh). Trong trường hợp này, Blockchain đơn giản hóa việc quản trị, giảm phí điều chỉnh khiếu nại và giúp giải quyết khiếu nại nhanh hơn.

Trong thương mại quốc tế, Blockchain đã tạo điều kiện cho các giao dịch thương mại có đảm bảo an toàn thực phẩm và yêu cầu chứng nhận kiểm dịch thực vật, mà không cần sử dụng dịch vụ của các tổ chức chứng nhận bên thứ ba. Vào cuối tháng 12/2016, công ty khởi nghiệp AgriDigital của Úc đã thực hiện một giao dịch thanh toán trực tiếp đầu tiên trên thế giới đối với hàng hóa nông sản (lúa mì) bằng công nghệ Blockchain,

giúp tăng tốc và đơn giản hóa việc thanh toán cho nông dân. AgriDigital (một nền tảng giao dịch dựa trên đám mây cho phép người trồng lúa mỳ, người mua có thể quản lý các giao dịch khối lượng lớn trong quản lý hợp đồng, giao hàng, hóa đơn, thanh toán và hàng tồn kho) đã sử dụng một phiên bản riêng của Blockchain Ethereum được tùy chỉnh mã nguồn để tăng tốc độ giao dịch. Các thỏa thuận mua và thanh toán lúa mì được thiết kế là “hợp đồng thông minh” được thực hiện tự động. Thử nghiệm đã cho phép AgriDigital kiểm tra khả năng mở rộng và khả năng của công nghệ Blockchain để xử lý khối lượng lớn và thanh toán. Một ví dụ khác, vào cuối năm 2017, các công ty thương mại toàn cầu: Louis Dreyfus Co, Shandong Bohi Industry Co, ING, Societe Generale và ABN Amro đã thực hiện một giao dịch nông nghiệp chính thức đầu tiên bằng cách sử dụng Blockchain. Thương vụ đậu nành từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc, có hợp đồng mua bán, thư tín dụng và chứng chỉ được số hóa trên nền tảng Blockchain Easy Trading Connect (ETC). Việc sử dụng nền tảng Blockchain đã cắt giảm thời gian dành cho quản trị đến 5 lần.

Người ta nghĩ rằng Blockchain để giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới trong nhiều lĩnh vực. Điều này rất thú vị từ quan điểm xã hội học, bởi vì, trên thực tế, nó chỉ là một công nghệ. Nó không phải là một giải pháp toàn năng.

Trong nông nghiệp, một ứng dụng tiềm năng khác liên quan đến đăng ký động vật, thực vật hoặc đất đai. Công nghệ Blockchain có thể cải thiện việc xác định và đăng ký đất đai, do đó giúp điều chỉnh các đăng ký đất đai thường mơ hồ và không chính xác. Ở các nước đang phát triển, những thiếu sót của cơ quan đăng ký đất đai gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nông nghiệp, vì sự không chắc chắn về quyền sở hữu đất không khuyến khích đầu tư và phát triển sản xuất. Một số quốc gia như Honduras và Rwanda, hiện đang ứng dụng công nghệ Blockchain trong đăng ký đất đai.

Nhờ có Blockchain, có thể cung cấp những thông tin đáng tin cậy về các khía cạnh vô hình của các sản phẩm như tác động môi trường, những yêu cầu được đảm bảo trong thực tế canh tác. Trong chính sách nông nghiệp chung, Blockchain có thể được sử dụng để kiểm soát các khoản thanh toán cho nông dân cho các dịch vụ môi trường và thực hiện một số nhiệm vụ: trồng cây, tạo dải cỏ bên cạnh dòng nước, v.v..

Một lĩnh vực ứng dụng đầy hứa hẹn khác là sử dụng Blockchain để cung cấp truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm nông nghiệp. Tại Hà Lan, vào tháng 12/2017, Đại học Wageningen đã công bố kết quả một thí nghiệm được thực hiện với một đối tác tư nhân để đảm bảo nguồn gốc và chất lượng sinh học của một loại nho Nam Phi. Một công ty khởi nghiệp ở London, Provenancelần đầu tiên đã thử nghiệm khả năng truy tìm nguồn gốc của cá ngừ đánh bắt ở Indonesia trước khi mở rộng cách tiếp cận sang các sản phẩm cá khác.

Ở quy mô lớn, IBM đã hợp tác với chuỗi cửa hàng Walmart của Mỹ để đảm bảo truy xuất nguồn gốc của thịt lợn Trung Quốc v à xoài Mexico. Do kết quả của thử nghiệm là khả quan, một công ty con của IBM, IBM Food Trust, hiện đang làm việc với các công ty thực phẩm nông nghiệp toàn cầu lớn khác như Nestlé, Unilever, Dole, v.v..

Công nghệ Blockchain đang giúp họ chia sẻ thông tin về các sản phẩm của họ và theo dõi chúng trong suốt chuỗi chế biến (nguồn gốc, chăn nuôi và giết mổ động vật, quy trình sản xuất, dữ liệu nhà máy, ngày hết hạn, nhiệt độ bảo quản, v.v..). Tại Pháp, Carrefour đã tiến hành thử nghiệm đầu tiên vào năm 2018 bằng cách áp dụng công nghệ Blockchain cho gà miễn phí ở Auvergne, từ các trại giống, đến các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi, nông dân, các lò giết mổ. Vài tháng sau, nhà bán lẻ tuyên bố rằng, việc tham gia IBM Food Trust để tăng số lượng sản phẩm được chứng nhận bởi công nghệ này.

… đến những hồ nghi liệu Blockchain có phải là công nghệ toàn năng?

Mặc dù có tiềm năng rất lớn, nhưng công nghệ Blockchain vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Hiện tại, các công ty tư nhân (nhà bán lẻ, công ty thực phẩm và hậu cần, v.v..) và các cơ quan công cộng (cơ quan môi trường, viện nghiên cứu) đang cùng nhau phát triển các loại quan hệ đối tác khác nhau. Trong mọi trường hợp, mặc dù vẫn còn nhiều sự quan tâm, nghiên cứu cho thấy mức độ quan tâm đến Blockchain đã giảm dần trong những năm gần đây. Blockchain không còn được cho là một “giải pháp thần kỳ”. Xu hướng hiện nay là thận trọng phân tích ưu và nhược điểm của các ứng dụng có thể có đối với Blockchain. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để phân biệt giữa các tình huống trong đó các chuỗi khối có giá trị gia tăng thực sự và các tình huống mà các hệ thống truyền thống đã hoàn toàn hoàn chỉnh hoặc thậm chí hiệu quả hơn.

Do công nghệ Blockchain còn tồn tại một số thiếu sót kỹ thuật, như số lượng khối trong chuỗi và kích thước của các khối. Một khối có thể mang một lượng dữ liệu rất hạn chế, mà chỉ có thể liên kết với thông tin bên ngoài. Do vậy chỉ có thể khẳng định đã có một cơ sở dữ liệu nhất định tại một thời điểm cụ thể, nhưng không cho biết thông tin chính xác.

Bên cạnh đó, theo các nhà kinh tế tại Đại học Princeton ở Hoa Kỳ, quá trình phi tập trung của Blockchain vẫn còn tương đối chậm. Các chuyên gia tin rằng, Blockchain hiện không thể cạnh tranh với tốc độ giao dịch đạt được bởi các hệ thống “dạng thẻ tín dụng” (có thể thực hiện 7 giao dịch trong một giây, so với trung bình là 2.000 giao dịch trong một giây). Ngoài ra, công nghệ Blockchain rất tốn năng lượng, khiến nó không thích hợp với quỹ đạo sinh thái mà nhiều quốc gia mong muốn, trừ khi Blockchain có tiến bộ đáng kể về hiệu quả xử lý.

Trong nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, Blockchain hiện đang được thử nghiệm hoặc đang được phát triển tương đối đơn giản và hạn chế. Một trở ngại lớn cho sự phát triển của Blockchain trong ngành này là nhu cầu thiết lập mối liên kết với thế giới vật chất. Mặc dù công nghệ Blockchain có thể đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu được ghi lại, điều này không có nghĩa là nó có thể đảm bảo hiệu quả tính chính xác của những gì được nhập vào.

Trong nghiên cứu được tiến hành bởi Đại học Wageningen, cùng với Viện Kiến thức Hà Lan TNO, về nghiên cứu thí điểm “Blockchain cho Nông nghiệp và Thực phẩm”. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra nhiều cơ hội cho việc ứng dụng công nghệ mới này trong chuỗi cung ứng thực phẩm, cũng như vấn đề đảm bảo tính chính xác được xác định bởi các bên liên quan trong thí nghiệm.

Theo nhà khoa học cấp cao của TNO, Christopher Brewster, trong thời đại này, dữ liệu là chìa khóa – nhưng tất cả chỉ nhằm đảm bảo sự minh bạch. Tuy nhiên, trong thực tế, không ai muốn minh bạch hoàn toàn. Mặc dù Blockchain hứa hẹn đưa ra những thông tin chính xác và tức thời, nhưng đó chính là một trong những sự “điên rồ” của công nghệ mới. Blockchain đã trở thành một sự cường điệu trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là về tài chính và bảo hiểm, Brewster đã giải thích “Người ta nghĩ rằng Blockchain để giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới trong nhiều lĩnh vực. Điều này rất thú vị từ quan điểm xã hội học, bởi vì, trên thực tế, nó chỉ là một công nghệ. Nó không phải là một giải pháp toàn năng“.

Nghiên cứu thử nghiệm cho thấy, một cơ quan như Ecocert cung cấp các chứng nhận cho sản xuất hữu cơ. Nếu một người mua nho muốn kiểm tra xem trái cây có phải là hữu cơ hay không, anh ta phải gọi cho nhà cung cấp ở Nam Phi, nhà cung cấp có thể gửi email một bản sao chứng nhận được quét hoặc bản pdf. Tuy nhiên, điều này sẽ không đảm bảo tin cậy 100%. Các nhà nghiên cứu chỉ ra hai vấn đề: chứng nhận có thể không còn hiệu lực, nhưng nhà cung cấp vẫn tiếp tục bán sản phẩm hữu cơ; hoặc nhà sản xuất có thể bán sản phẩm của mình, nhưng lại sử dụng chứng chỉ để bán cũng các sản phẩm đó của nhà cung cấp khác có cùng chứng chỉ.

Blockchain không ngăn chặn gian lận dọc theo chuỗi nguồn gốc địa lý hoặc đảm bảo trong thực tiễn nông nghiệp không sử dụng thuốc trừ sâu. Do đó, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng: nếu chỉ sử dụng Blockchain sẽ không thể loại bỏ được các gian lận, nhưng chúng có thể giúp giảm tần suất của các gian lận. Việc bổ sung các công nghệ khác, cũng đang được phát triển, có thể tạo điều kiện cho sự trao đổi giữa thế giới vật lý và kỹ thuật số: các vật thể được kết nối, kết nối các chuỗi khối với các cảm biến trong nông nghiệp chính xác, mã vạch trên các sản phẩm được chứng nhận, v.v..

Tương lai bắt đầu từ đa dạng hóa các sáng kiến

Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến sự đa dạng hóa của các chương trình thí điểm trong thực phẩm và nông nghiệp liên quan đến một loạt các bên liên quan, định dạng và giao thức. Kết quả là một cảnh quan phân mảnh không cho phép các ứng dụng khác nhau giao tiếp với nhau. Đa dạng hóa là tình trạng phổ biến khi các công nghệ mới xuất hiện và trước khi một tiêu chuẩn ra đời. Đối với nhiều nhà quan sát, blockchain ban đầu có thể vẫn là một công nghệ được sử dụng trong nội bộ các công ty, ở quy mô nhỏ. Việc triển khai công nghệ Blockchain có thể mất nhiều thập kỷ, trước khi nó được sử dụng trên quy mô lớn, giống như các giao thức Internet xuất hiện vào năm 1973 và mất khoảng hai mươi năm để trở thành chuẩn mực. Chưa kể các chi phí mà công nghệ này sẽ dẫn đến việc ứng dụng rộng rãi.

Ở giai đoạn này, lĩnh vực chính mà các chính phủ đang quan tâm là việc đưa công nghệ Blockchain vào ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp và đóng góp của Blockchain có thể giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thực hiện việc kiểm soát. Chú ý rằng, để đạt được tiềm năng đầy đủ của công nghệ Blockchain cần chú ý hỗ trợ hai khía cạnh chính của quá trình chuyển đổi thành công: kỹ năng và chuyên môn về chuyển đổi kinh doanh Blockchain. Dù tương lai có ra sao, khi Blockchain phát triển, việc sử dụng chúng trong các cơ quan hành chính nhà nước có thể sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong một số cách tiếp cận và thực hành truyền thống về kiểm soát, kiểm toán, chứng nhận và tiêu chuẩn hóa thực phẩm và nông sản.

Trong tương lai, sự phát triển hơn nữa của công nghệ Blockchain chắc chắn sẽ có tác động đến cách thức mà nền kinh tế thực phẩm nông nghiệp hoạt động và chính phủ sẽ phải theo dõi quá trình này. Thứ nhất, để tránh những rủi ro liên quan đến công nghệ mới này (nền kinh tế ngầm, trốn thuế, v.v..). Nhưng trên hết phải đặt một khuôn khổ pháp lý và quy định mới. Công nghệ Blockchain có thể khiến thị trường đi theo hướng không lường trước được, với những đề xuất quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc mới, do đó kích thích cạnh tranh.

Mặt khác, nó có thể dẫn đến sự hợp nhất giữa ngành công nghiệp thực phẩm và lĩnh vực kỹ thuật số, từ đó củng cố lợi thế cạnh tranh hiện có và vị thế thống trị. Vậy tương lai sẽ đi con đường nào, chắc chắn sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của Blockchain.

Nguồn: ictvietnam.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *