Chuỗi cung ứng nói chung và ngành logistics nói riêng đang thay đổi từng ngày. Để tăng trưởng và phát triển, các doanh nghiệp cần chuyển mình để bắt kịp xu hướng thay đổi đó trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyển đổi số chuỗi cung ứng là gì?

Chuyển đổi chuỗi cung ứng đề cập đến sự đổi mới công nghệ và số hóa chuỗi cung ứng của một tổ chức. Hoạt động chuỗi cung ứng xuất sắc là một phần không thể thiếu trong kinh doanh. Khi thực hiện chuỗi cung ứng của mình càng nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, thì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được cải thiện. Bằng cách chuyển đổi chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sang tự động hóa và thông tin theo thời gian thực, các công ty có thể phản hồi nhanh chóng và chính xác hơn trước bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng trở nên khốc liệt như hiện nay.

Các động lực chuyển đổi chuỗi cung ứng

Có nhiều động lực chính đằng sau sự chuyển đổi chuỗi cung ứng của một tổ chức. Tuy nhiên, chìa khóa để số hóa và tự động hóa chuỗi cung ứng của doanh nghiệp bạn phải nằm ở nhu cầu của khách hàng. Một số động lực chính là:

  • Cải thiện chất lượng dịch vụ: Với sự gia tăng của bán lẻ trực tuyến và chủ nghĩa tiêu dùng, việc cung cấp trải nghiệm dịch vụ qua sản phẩm cho người dùng cuối của bạn sẽ giúp bạn thành công.
  • Vận hành minh bạch: Bằng cách cung cấp dịch vụ logistics theo thời gian thực đối với các giao dịch mua và hàng hóa, các tổ chức có thể phục vụ khách hàng cũng như nhà cung cấp tốt hơn.
  • Hiệu quả về chi phí: Các công nghệ mới như đám mây, tự động hóa quy trình và nhà kho không giấy tờ mang lại hiệu quả ở mọi cấp độ của chuỗi cung ứng.
  • Thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn và công nghệ đang làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động truyền thống của mọi ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang tới nhiều cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp, từng bước thay đổi cách làm việc truyền thống của hoạt động chuỗi cung ứng.
  • Đại dịch COVID-19 thúc đẩy các doanh nghiệp phải chuyển đổi số nhanh hơn. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, quá trình chuyển đổi số đáng lẽ cần 5 năm để áp dụng vào DN, thì nay chỉ mất 8 tuần nhờ cú huých từ đại dịch.

Chuỗi cung ứng của từng ngành hàng đang thay đổi

Ngành Thương mại điện tử đang ngày một mở rộng trong bối cảnh người dân tăng cường mua hàng trực tuyến vì Covid-19. Đây là yếu tố giúp logistics phục vụ ngành thương mại điện tử phát triển mạnh. Người tiêu dùng ngày nay yêu cầu cao hơn về thời gian giao hàng, “freeship” và nếu sản phẩm không phù hợp thì hoạt động “logistics thu hồi” cần được tổ chức một cách thuận tiện.

Chuỗi cung ứng của từng ngành hàng đang thay đổi

Trong ngành bán lẻ, mô hình kinh doanh mới cũng đang dần hình thành. Xu hướng mới trong ngành là đẩy mạnh bán hàng đa kênh, tích hợp trực tuyến và trực tiếp. Theo một khảo sát do Vietnam Report tiến hành, trong bối cảnh dịch COVID-19, mọi người phải hạn chế đi lại, tụ tập để phòng chống dịch bệnh, người tiêu dùng đã chuyển đổi kênh mua sắm đối với nhóm các sản phẩm nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu.

Trong ngành F&B, cụm từ “chuỗi cung ứng lạnh ” đang ngày một xuất hiện nhiều hơn. Việc sử dụng chuỗi lạnh sẽ kéo dài thời gian sử dụng của rau quả từ 2-3 ngày tới 7 ngày và giảm hao hụt từ 60-70% tại cửa hàng. Chuỗi cung ứng lạnh không chỉ chú ý tới các điều kiện về nhiệt độ và độ ẩm, thời gian cũng cần được kiểm soát chặt chẽ. Chuỗi cung ứng lạnh phải có tốc độ cung ứng rất kịp thời.

Để tìm lời giải cho thách thức trong từng ngành hàng, doanh nghiệp cần chuyển đổi số để thích nghi và phát triển. Chuyển đổi số hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp đạt được sự gia tăng doanh thu để chiếm lĩnh thị trường, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tương lai của chuỗi cung ứng là khách hàng

Để chuyển đổi thành công chuỗi cung ứng kỹ thuật số, các công ty cần phát triển quy trình kinh doanh và cơ sở hạ tầng để tập trung vào khách hàng. Cụ thể, các công ty phải xây dựng đội ngũ có kỹ năng chuyên sâu về phân tích, giao tiếp, cộng tác trong chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp nên triển khai một nền tảng lập kế hoạch chuỗi cung ứng tích hợp dữ liệu và có thể hỗ trợ chuỗi cung ứng kỹ thuật số.

Điều này bắt đầu với khả năng hiển thị từ đầu đến cuối của chuỗi cung ứng để đưa ra các quyết định về hoạt động, chiến thuật và chiến lược. Một khi khả năng hiển thị này hoạt động hiệu quả, yếu tố khác biệt thực sự là cách doanh nghiệp sử dụng nó để tăng cường các quyết định, mô hình hóa các kịch bản, giảm thiểu rủi ro và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới. Lợi thế cạnh tranh sẽ đến từ khả năng một công ty sử dụng chuỗi cung ứng kỹ thuật số của mình để lập kế hoạch, đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách tối ưu.

Các doanh nghiệp đang ở đâu trong quá trình chuyển đổi số?

So sánh chuỗi cung ứng thủ công và chuỗi cung ứng số

Trong quá trình chuyển đổi, ta thường hay nhầm lẫn giữa 2 khái niệm “tin học hóa” và “chuyển đổi số”. Tin học hóa là các hoạt động được hệ thống tin học hỗ trợ quá trình làm việc. Tin học hóa chỉ là bước đầu của quá trình chuyển đổi số bằng cách số hóa các dữ liệu, nguồn tài nguyên của doanh nghiệp. Chuyển đổi số thì xa hơn thế. câu chuyện chuyển đổi số không thể bắt đầu ngay bằng công nghệ. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ con người, tới quy trình và cuối cùng mới là công nghệ. Vì công nghệ chỉ là công cụ giúp hiện thực hóa các ý tưởng của con người.

Chuyển đổi số phải bắt đầu từ con người, tới quy trình và cuối cùng mới là công nghệ

Bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, các doanh nghiệp cần thay đổi từ nhà quản trị cho tới nhân viên về chuyển đổi số hiệu quả. Ta không thể sử dụng một tư duy cũ áp dụng vào trong một quy trình mới, cách làm này sẽ không mang lại hiệu quả. Ta cần học cách tư duy linh hoạt, thử cái mới. Khi đó, gặp phải những sai sót là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng doanh nghiệp cần chấp nhận những cái sai đó. Sai nhanh nhưng sửa cũng nhanh để thay đổi, chuyển mình một cách mạnh mẽ.

Để toàn bộ nhân viên trong doanh nghiệp hiểu rằng chuyển đổi số là hoạt động quan trọng, nhà quản trị cần làm rõ đây là một chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều cho rằng những thay đổi về văn hoá doanh nghiệp khó khăn hơn là những thay đổi về công nghệ.

Quy trình mới phù hợp với chuyển đổi số

Quy trình làm việc là yếu tố tiếp theo cần được nhắc tới trong tiến trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp cần xác định các mô hình kinh doanh mới, xây dựng khả năng kiểm trai và thúc đẩy đổi mới quy trình thay vì đơn giản là tự động hóa các quy trình hiện có. Một quy trình cũ có nhiều thao tác thủ công, không được phân chia nhiệm vụ cho từng nhân viên một cách rõ ràng. Khi áp dụng công nghệ ngay vào quy trình đó sẽ tạo ra những lỗ hổng, sai số và có thể gây ra tác dụng ngược. Việc này không mang lại hiệu quả mà còn tạo thêm những vấn đề phát sinh cần giải quyết.

Khi đã có được quy trình phù hợp, ta mới bắt đầu tiến đến xây dựng một hệ thống phần mềm giải pháp dựa trên quy trình đó. Trong chuỗi cung ứng, nhu cầu của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, tùy vào ngành hàng mà doanh nghiệp đó đang hoạt động. Thiết thực hơn hết là doanh nghiệp cần xác định được nhu cầu của mình. Mọi sự cải tiến, áp dụng công nghệ đều là cần thiết, nhưng doanh nghiệp cần biết được đâu là ưu tiên, vì không phải mọi vấn đề đều cần phải thay đổi ngay lập tức.

Các doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng hệ thống của các nhà cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng. Các nhà cung cấp giải pháp có kinh nghiệm trong xây dựng phần mềm quản lý chuỗi cung ứng và có khả năng tùy chỉnh phần mềm phù hợp với doanh nghiệp trong từng ngành hàng khác nhau.

Hơn hết, chuỗi cung ứng cần sự cộng tác

Nếu không có sự cộng tác, quá trình giao tiếp của doanh nghiệp và các đối tác sẽ không thể đạt được hiệu quả cao. Giống như ở trong một căn phòng, có 1 người nói tiếng Việt và 1 người nói tiếng Anh, dù họ có giỏi tới đâu nhưng nếu không hiểu nhau thì quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin đó sẽ không mang lại hiệu quả. Chuỗi cung ứng cũng vậy, hệ thống phần mềm của doanh nghiệp dù có tối ưu tới đâu cũng cần có khả năng cộng tác, trao đổi thông tin tới hệ thống của các đối tác, từ đó giúp quá trình giải quyết công việc của các bên liên quan dễ dàng, thông suốt, đạt được kết quả tốt hơn.
Đám mây chuỗi cung ứng hình thành nên cấp độ tiếp theo của sự cộng tác trong chuỗi cung ứng. Đám mây chuỗi cung ứng là các chuỗi cung ứng chung giữa khách hàng, công ty và nhà cung cấp. Nền tảng này mang lại một cơ sở hạ tầng logistics chia sẻ hoặc thậm chí lập kế hoạch chung.Trong các mối quan hệ phi cạnh tranh, đối tác có thể quyết định giải quyết các nhiệm vụ của chuỗi cung ứng với nhau để tiết kiệm chi phí và học hỏi lẫn nhau.
Nguồn: gosmartlog.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *