Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Qua đó, góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng và nâng tầm giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, hành trình thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp còn nhiều “điểm nghẽn”, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ sẽ làm giảm đứt gãy các chuỗi cung ứng, giảm thiệt hại cho cả sản xuất, tiêu thụ và xuất – nhập khẩu nông sản.
Nông nghiệp số là gì?
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, trong nông nghiệp số, bên cạnh tư liệu sản xuất truyền thống, người nông dân sử dụng thêm tư liệu số, đó là dữ liệu số và công nghệ số. Vì vậy, người nông dân sẽ phải có thêm một số tri thức, kỹ năng về thương mại, công nghệ, sinh học chứ không chỉ đơn thuần là kỹ năng sản xuất. Thay vì chỉ đơn thuần là “trông trời, trông đất, trông mây”, người nông dân sẽ “trông dữ liệu, trông dữ liệu và trông dữ liệu”. Thay vì chỉ đơn thuần mua giống cây, mua phân bón, người nông dẫn sẽ phải mua dữ liệu nữa. Và Nhà nước có thể giúp cho toàn bộ nông dân Việt Nam bằng cách tạo ra những dữ liệu cơ bản sẵn sàng và miễn phí.
Trong nông nghiệp số, bên cạnh bán nông sản, người nông dân có thể bán thêm cả sự trải nghiệm. Cách nhìn nhận nên thay đổi, thay vì nhìn nhận chỉ là sản xuất nông nghiệp, hãy nhìn nhận thêm là kinh tế nông nghiệp, thay vì nhìn nhận chỉ là kinh tế nông nghiệp, hãy nhìn nhận thêm là kinh tế số nông nghiệp. Thay vì chỉ tìm cách đáp ứng nhu cầu “ăn cho no” thì hãy đáp ứng thêm nhu cầu “ăn cho ngon”. Thay vì chỉ giải quyết bài toán cho nhu cầu của số đông thì hãy đáp ứng thêm bài toán cho nhu cầu cá thể hoá, nhu cầu của nhóm nhỏ người dùng khác biệt. Chuyển đổi số, công nghệ số cho phép giải quyết vấn đề này. Đây chính là nông nghiệp số.
Trong nông nghiệp số, người nông dân thời đại số có thể vượt qua được điểm yếu cố hữu của người nông dân ngàn đời nay. Đó là “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm”. Vì dữ liệu số càng chia sẻ thì lại càng giá trị, càng chia sẻ lại càng lớn lên thay vì nhỏ đi. Và vì thế, trong nông nghiệp số, người nông dân sẽ nhanh chóng thấy được lợi ích, giúp hình thành một hệ sinh thái, thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, và giúp hình thành chuỗi giá trị thay vì chỉ đơn thuần là chuỗi liên kết.
Hiệu quả từ mô hình ứng dụng công nghệ số
Sớm nhận ra vai trò quan trọng của khoa học công nghệ, chị Lê Thị Dung (xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) đã mạnh dạn ứng dụng IOT (Internet vạn vật) vào trang trại của mình, nhờ đó, nắm bắt được tất cả các thông số của đất, môi trường, đề xuất thời gian tưới, thời gian chiếu sáng phù hợp theo từng giai đoạn của cây trồng. Trước đây, chị cần khoảng 40 công nhân, nhưng giờ đây chỉ cần 10 người là có thể điều hành và làm được mọi việc từ xa, hiệu quả công việc thay đổi rõ rệt.
Chị Dung cho biết: “Những năm đầu thua lỗ nhưng hai năm gần đây thì doanh thu của trang trại đạt khoảng 19 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi gần 2 tỷ đồng/năm”.
Trải qua nhiều lần thất bại, ông Hoàng Mạnh Ngọc (ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng, quyết tâm đầu tư dây chuyền sản xuất gà giống, áp dụng công nghệ khép kín, sử dụng điều chỉnh nhiệt, hệ thống ăn, uống cho gà tự động. Ứng dụng công nghệ thông tin kiểm soát nhiệt độ trong chuồng nuôi, trạm ấp qua phần mềm kết nối mạng internet. Nhờ khoa học công nghệ, hàng năm doanh nghiệp cho ra đời 45 vạn con gà giống, doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng.
“Thời đại số bùng nổ, không chỉ đơn giản bắt gà về thả vườn như trước đây, cần thay đổi tư duy từ chăn nuôi truyền thống sang tiếp cận công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật”, ông Ngọc nói.
Ở vùng đất cao nguyên Lâm Đồng, khí hậu tương đối thuận lợi cho việc trồng trọt, gia đình ông Lê Công Thôn (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) đã liên kết cùng với trang trại Phong Thúy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, phun sương, gia đình ông thu được 200 tấn sản phẩm các loại, doanh thu hơn 2 tỷ đồng/ha/năm, trừ chi phí, lợi nhuận đạt 1 tỷ đồng/ha.
Với diện tích 500 ha, VinEco Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã dùng 24,5ha đầu tư xây dựng nhà kính PE, sử dụng công nghệ nhà kính của Israel và 80ha được lắp đặt nhà kính, nhà lưới theo công nghệ Nhật Bản; 400ha còn lại được tận dụng làm những cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, đồng thời, xây dựng các khu sơ chế, bảo quản rau quả sau thu hoạch.
Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng công ty vẫn tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động địa phương, nhờ nông sản được phân phối đến các bếp ăn tập thể, chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ tiêu thụ.
Dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Đứng trước ý thức ngày càng cao của người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc nông sản và thực phẩm, mới đây, Bộ Công Thương đã có kết quả của một cuộc khảo sát cho thấy, 49% người tiêu dùng quan tâm đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, 47% muốn tra cứu nhưng không có đủ thông tin, 74,8% cho rằng rất khó để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Do đó, rất cần phải minh bạch hóa quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng.
Đây được xem là giải pháp cho người tiêu dùng trực tiếp kiểm tra, thu thập đầy đủ thông tin về sản phẩm đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn (sinh ra, chăn nuôi, xuất trại, giết mổ, xử lý, đóng gói và phân phối).
Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ XNK Bé Dũng ở xã Mương Mán (Hàm Thuận Nam – Bình Thuận), cho biết: Trung bình mỗi năm doanh nghiệp xuất sang thị trường Trung Quốc 400-500 tấn thanh long. Do thị trường nước bạn yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc, công ty đã tuân thủ và thực hiện ứng dụng công nghệ vào việc dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trái thanh long. Nhờ vậy, thanh long xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường Trung Quốc đều được làm thủ tục nhập khẩu nhanh chóng.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp và Điện năng xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa – Thanh Hóa), cho biết: Các sản phẩm của HTX đều được đóng gói, thông tin đầy đủ về sản phẩm in trên bao bì… Người tiêu dùng chỉ cần thông qua ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh là có thể kiểm tra thông tin về cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác, thu hoạch, sơ chế đóng gói, quá trình vận chuyển, hạn sử dụng… Nhờ truy xuất được nguồn gốc, các sản phẩm rau an toàn do HTX sản xuất đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các địa phương đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, người dân áp dụng, sử dụng hệ thống QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng giá trị thương hiệu sản phẩm.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, việc ứng dụng phần mềm hệ thống quản lý thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm của Hà Nội còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả kinh tế đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Sở dĩ vậy là bởi chính sự ràng buộc về chất lượng sản phẩm và các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ sẽ thúc đẩy các tổ chức, DN, người sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe. Qua đó, kiểm soát hiệu quả vấn đề an toàn thực phẩm.
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử đang là giải pháp giúp người nông dân giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số.
Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” cùng chính sách giá ưu đãi, hấp dẫn, hướng tới thị trường người tiêu dùng trong cả nước. Nhờ đó đã tiêu thụ được sản lượng vải của năm nay tại thị trường trong và ngoài nước
Khi mùa vải thiều ở vùng “tâm dịch” Bắc Giang năm nay vào vụ với sản lượng lớn, cùng với các đơn vị khác của Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đã sớm lên phương án làm việc, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang hợp tác với các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Postmart, Lazada… và các đối tác để tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều Bắc Giang qua phương thức thương mại điện tử. Hiệu quả là hàng trăm nghìn tấn vải thiều được thị trường trong và nước ngoài tiêu thụ, đây có thể nói là thắng lợi lớn của tỉnh Bắc Giang, vải thiều đã không còn phải “giải cứu” như những năm trước nữa.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử đang triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố và được đánh giá là giải pháp hiệu quả, bền vững giúp các DN tại địa phương ứng dụng công nghệ số để tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc.
Theo ông Chu Quang Hào, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost),bước ngoặt về chuyển đổi số trong thương mại nông sản bắt đầu từ việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên sàn Voso (Viettel Post) và Postmart (VnPost). Điều này cho thấy người dân lên sàn thương mại điện tử tăng đột biến.
Ngoài việc có hàng trăm nghìn người mua nông sản trên sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng còn rất yên tâm khi biết nguồn gốc sản phẩm nông sản được trồng ở đâu? Trồng như thế nào? có bảo đảm an toàn thực phẩm hay không? Tất cả chi cần quét mã QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Mới chỉ bắt đầu
Gần đây, ngành Nông nghiệp và PTNT bắt đầu quan tâm hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Trong trồng trọt, công nghệ IoT, Big Data bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, đất đai, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây; người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực…
Trong chăn nuôi, công nghệ IoT, blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng rãi. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là các trang trại hiện đại của TH True Milk, Vinamilk…
Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng…
Trong thủy sản là việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu – thả lưới chụp, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ…
Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. Công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất…, giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản…
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, với nền nông nghiệp khá manh mún, ít có DN lớn (như Công ty CP Nông nghiệp Trường Hải – THAGRICO) để hình thành công nhân nông nghiệp thì quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp của Việt Nam còn chậm và độ phủ chưa rộng. Mô hình chuẩn quản trị sản xuất nông nghiệp: “Khu liên hợp + Công ty – Cụm xí nghiệp – Xí nghiệp – Nông trường” còn ít, nên hiện chưa có nhiều “nông dân số” như các nước trong khu vực. Tại một số nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia.., máy bay phun thuốc được đưa vào sử dụng khá phổ biến, chúng ta thì… còn ít.
Nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thấy sự kết hợp các hệ thống năng lượng hỗn hợp phục vụ sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau (điện lưới, mặt trời, điện gió,…) được sử dụng cho tưới tiêu và kho lạnh, với mục đích phục vụ cho trang trại nhỏ và khu vực vùng sâu, vùng xa hoặc nơi chưa có điện.
Ngoài ra, chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp khó về cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích…) rất hạn chế,…
Đầu tư công nghệ số phải từ doanh nghiệp, trang trại lớn
Tại Hội nghị về Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành cũng như doanh nghiệp đã đưa ra ý kiến rất có giá trị, đồng hành cùng Chính phủ để thực hiện mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Tiến sĩ Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, để bảo đảm chuyển đổi số trong nông nghiệp thì cần đi ngay, đi nhanh và đi chính xác. “Do đó, điều tôi mong muốn nhất là doanh nhân, nông dân Việt Nam tiếp cận được chuyển đổi số. Hội tụ chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ trong nước mà toàn cầu”.
Nhưng một điều rất dễ nhận thấy, nếu không có sự chung tay của Nhà nước, của doanh nghiệp vào công cuộc chuyển đổi số, thì chúng ta khó đạt được mục tiêu số đề ra. Bởi công nghệ số trong nông nghiệp không chỉ đơn thuần là một chiếc “smartphone”, rất nhiều những thiết bị thông minh cần phải lắp đặt, hệ thống nhà nước cũng cần phải được dựng lên, còn nhiều những thiết bị khác nữa. Chiếc “smartphone” được kết nối internet sẽ thực hiện công việc cuối cùng là ấn/chạm để kích hoạt mọi thiết bị thông minh hoạt động. Mà người nông dân nếu không có sự hỗ trợ hay không phải là doanh nghiệp, trang trại lớn sẽ không thể có nguồn lực tài chính để thực hiện được.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Hiệp, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số – Tập đoàn FPT nói: “Tôi mong muốn sự hợp tác. Quan điểm tư vấn của Tập đoàn FPT thì chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là việc lớn nên không làm một mình. Chỉ có sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp thì mới có thể làm đúng, làm nhanh”.
“Đừng để lỡ chuyến tàu công nghệ số”
Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và PTNT kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức một hội nghị trực tuyến “Chuyển đổi số trong nông nghiệp và PTNT”. Hai Bộ trưởng đều đồng tình và thống nhất đánh giá, trong điều kiện phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay, thông tin là một trong những yêu cầu quan trọng nhất để phát triển kinh tế – xã hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khó khăn của người nông dân luôn là khoảng cách với thành phố. Khó khăn của họ là không tiếp cận được với đào tạo chất lượng cao cho con cái, là không tiếp cận được với y tế chất lượng cao. Thu hẹp khoảng cách này lại chính là lợi thế của công nghệ số, của chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số không phải là cái gì quá “đao to búa lớn” mà thực chất là cách làm nông nghiệp khác đi nhờ dữ liệu và công nghệ số”, ông Hùng nói.
Ông Hùng chia sẻ: Chuyển đổi số thì ứng dụng quan trọng hơn công nghệ. Người ứng dụng quan trọng hơn người làm ra công nghệ. Không có người đi tiên phong ứng dụng công nghệ thì không có công nghệ. Với công nghệ số thì càng ứng dụng nhiều công nghệ sẽ càng thông minh, càng nhiều người dùng thì giá càng rẻ. Vậy là làm cho công nghệ số thông minh lên và giá rẻ đi là do nhiều người ứng dụng. Với 60-70% dân số Việt Nam là nông dân thì chính họ mới là người quyết định thắng lợi của công cuộc chuyển đổi số Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, sự mù mờ về thông tin như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung – cầu. Người sản xuất mù mờ về thị trường trong khi thị trường mù mờ về sản xuất, cơ quan quản lý cũng mù mờ về chuyện đó. Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu. Do đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ bắt tay ngay vào chuyển đổi số để không lỡ nhịp đoàn tàu.
“Chúng ta dứt khoát không để lỡ chuyến tàu chuyển đổi số. Lỡ chuyến tàu là có tội với hàng triệu nông dân, là thiếu trách nhiệm với tương lai của nền nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Ông Hoan nhấn mạnh: “Bộ Nông nghiệp và PTNT muốn xây dựng một hình ảnh nền nông nghiệp chuyển đổi số, hình ảnh hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam không phải là chân lấm tay bùn nữa mà là những người nông dân thông minh, những người nông dân chuyển đổi số. Bản thân việc này đã tạo ra giá trị cho nông sản Việt Nam rồi”.
Theo đánh giá, tiềm năng của chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam là rất lớn vì được sự ủng hộ từ Chính phủ, các bộ, ngành cho đến các DN công nghệ, DN nông nghiệp. Đây là xu hướng toàn cầu, không ai có thể đi ngược lại. Do đó, cần phải làm tốt hơn, đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất trong tương lai, tiến tới nền nông nghiệp thông minh.
Trong kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt ra mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; trong đó sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Đẩy mạnh hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Đồng thời xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến…
50% số thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật để tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Nguồn: kinhtenongthon.vn