Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đối với tỉnh thuần nông như Đắk Lắk, việc chuyển đổi số càng có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa và mở ra cơ hội phát triển nhanh, hội nhập với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hành trình này còn không ít gian nan, cần sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan chức năng, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông.

Làm việc “cũ” theo phương thức “mới”

Triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 02/4/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động ứng dụng công nghệ số, thay đổi tư duy, cách thức quản lý trong từng lĩnh vực, thúc đẩy nhanh lộ trình số hóa dữ liệu ngành, tiếp cận đúng lộ trình Bộ NN&PTNT đề ra, nhằm hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp bắt nhịp với xu thế này.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị thăm mô hình nuôi cá trên Sông Sêrêpốk tại xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn

Tại Đắk Lắk, hiện nay, công nghệ số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Giờ đây, ngành nông nghiệp bắt đầu phòng chống cháy rừng bằng thiết bị viễn thám; chăm sóc cây trồng, vật nuôi bằng camera; chào bán sản phẩm thông qua điện thoại thông minh… Từ xu hướng ấy đã giúp những doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp mạnh dạn bắt nhịp ứng dụng công nghệ số trong mọi quy trình sản xuất.

Là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Ban Mê Green Farm chia sẻ, sức mạnh của công nghệ, kỹ thuật số đã giúp ngành nông nghiệp bắt nhịp cùng thị trường quốc tế. Hiện doanh nghiệp đã chủ động tìm đến phần mềm ứng dụng để triển khai vào cả hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài việc ứng dụng các hệ thống thiết bị nông nghiệp thông minh trong việc quản lý nhân sự, thuế, trồng và chăm sóc để tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho cây trồng thì đơn vị đã liên kết với nhiều tổ chức, cá nhân qua mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm cà chua Nova cho người nông dân mà không cần gặp mặt trực tiếp người mua…

Mô hình rau hữu cơ của Công ty TNHH Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột) ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Mới đây, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng, Sở NN&PTNT đã tham mưu xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ cao trong công tác quản lý, bảo vệ, giám sát tài nguyên rừng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021-2023. Đề án tập trung xây dựng và triển khai hệ thống quản lý, kiểm tra, kiểm soát hiện trạng rừng, cảnh báo nguy cơ mất rừng, cháy rừng; triển khai các giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng; thiết lập phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong tuần tra, giám sát lửa rừng, mất rừng, thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp bằng công nghệ 4.0; tổ chức phát hiện sớm và thông báo kịp thời điểm cháy rừng thông qua tăng cường ứng dụng các thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin, ảnh chụp từ các thiết bị bay không người lái, ảnh viễn thám.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến (thứ ba từ trái sang) thăm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống tại xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ)…-Ảnh : Lê Lan

Để góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, Sở đã triển khai chấm điểm Chỉ số CCHC cho 18 đơn vị trực thuộc Sở, giúp cho các đơn vị có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện cải cách TTHC, hiện đại hóa dịch vụ công cung ứng  hàng năm. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay 87 TTHC của đơn vị được cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đã cập nhật lên Hệ thống Dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một Cửa điện tử liên thông của tỉnh Đắk Lắk.

Hơn 77 tỷ đồng xây dựng nền tảng  “nông nghiệp số

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã được thực hiện trên nhiều lĩnh vực. Điển hình như lắp đặt thiết bị đo mưa tự động để cảnh báo, dự báo thiên tai; hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng; quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa rộng khắp, còn nhỏ lẻ, trình độ của bộ phận người nông dân chưa tiệm cận với công nghệ số.

Thường trực Tỉnh ủy thăm mô hình nuôi thỏ của HTX Phú Nông, huyện Buôn Đôn

Xác định phát triển nông nghiệp thông minh là tất yếu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch 1459/KH-SNN ngày 25/5/2021 về Kế hoạch chuyển đổi số của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn  giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tòan ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ khởi động xây dựng cơ sở dữ liệu, phổ cập kỹ năng số cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất chế biến nông nghiệp và người nông dân về chuyển đổi số.

Viện Khoa học – Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên giới thiệu sản phẩm trái mắc ca do Viện nhân giống và sản xuất.

Kế hoạch 1459/KH-SNN đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, toàn ngành Nông nghiệp sẽ phát triển khoảng 15 Doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, chủ trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp nhận chuyển giao ứng dụng 1 phần công nghệ số (hoặc toàn bộ nếu có) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong ngành nông nghiệp đạt tối thiểu 10% và năng suất lao động hàng năm tăng bình quân 7%.

Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh ta còn rất mới mẻ, khiêm tốn, tự phát, hơn nữa việc chuyển đổi này mới chỉ thực hiện chủ yếu ở khâu bán hàng. Vì vậy toàn ngành xác định tổng cộng có 24 nhiệm vụ cần phải triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025 bao trùm trên tất các lĩnh vực : trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Phát triển nông thôn, nông thôn mới, OCOP… và trong quá trình triển khai thực hiện sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định, nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, chiếm khoảng 30% GRDP. Đây là một trong 3 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, giải quyết việc làm và thu nhập cho khoảng 65% lao động của tỉnh. Trong thời gian đến, ngành nông nghiệp cần bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phải làm chủ được cơ sở dữ liệu, vì chỉ có minh bạch dữ liệu, thông tin thì nông nghiệp mới vươn xa. Do đó, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục, quyết liệt để triển khai thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu Kế hoạch đã đề ra, góp phần thực hiện có hiệu quả và thành công chuyến tàu chuyển đổi số của tỉnh như Nghị quyết số 04-NQ/TU đã đề ra.- Ông Nguyễn Hoài Dương nêu rõ.

Để xác định hướng đi phù hợp với thực tiễn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương cho rằng, đích hướng đến của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn là người dân. Có nghĩa là người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể thực hiện chuyển đổi số nhưng nếu để nông dân tự “bơi” hay phải “dò đường” trong chuyển đổi số thì rất khó thành công mà cần bệ đỡ là cơ chế, chính sách, nguồn lực và sự đồng hành của các cấp, ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là quá trình mới mẻ và cũng đầy khó khăn, thách thức, nhưng “không đi không thể đến đích”. Nếu chủ động thực hiện chuyển đổi số sớm, nhanh, sẽ nắm bắt thời cơ, lợi thế để tạo xung lực mới cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững. Do đó, doanh nghiệp phải là đầu tầu trong chuyển đổi số để cùng người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa như trong thời gian vừa qua-ông Dương nhấn mạnh.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT có 113 loại cơ sở dữ liệu và 32 phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, sản xuất, công việc chuyên môn trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản,… Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh  đã kết nối với cơ sở dữ liệu giám sát đánh giá phục vụ công tác quản lý ngành và phần mềm CSDL Thống kê.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, lĩnh vực nông nghiệp sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 95% hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; từ 90% trở lên hồ sơ công việc tại cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng; tối thiểu 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của Sở…

Nguồn: daklak.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *