Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết phải làm trong bối cảnh hiện nay để đáp ứng yêu cầu từ thị trường. Trong đó, doanh nghiệp lớn sẽ phải tiên phong trong công cuộc số hóa ngành nông nghiệp.

Làm công nghiệp trong nông nghiệp

Dưới tác động của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã được một phen “lao đao” khi nông sản ùn tắc, không thể xuất sang các nước vốn là thị trường xuất khẩu chủ yếu như Trung Quốc, EU…

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Ủy viên BCH Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam chia sẻ: Trong thời kỳ Covid-19, không chỉ nông nghiệp bị “ngăn sông cấm chợ” mà diễn ra ở tất cả các ngành. Tuy nhiên, với nông sản thời gian bảo quản ngắn, vì vậy làm thế nào để quá trình thu hoạch sản phẩm tới thẳng bàn ăn của người tiêu dùng một cách nhanh nhất là một câu chuyện đáng lưu tâm trong lúc này.

Là lãnh đạo một doanh nghiệp đã có 25 kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, có quan hệ xuất khẩu nông sản ở 60 nước trên thế giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods Group cho rằng, Việt Nam đang mong muốn trở thành nơi hậu cần cung cấp hàng hóa cho thế giới thì chúng ta phải thực hiện số hóa mạnh mẽ. “Chúng ta phải thay đổi tư duy đó là làm công nghiệp trong nông nghiệp, sau đó mới ứng dụng công nghệ thông tin vào được” – ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, số hóa phải trọn vẹn cả quá trình, ngay từ khâu chăm sóc phải ứng dụng hệ thống cảm biến, phân tích từ yếu tố nước, độ ẩm, ánh sáng…. giảm yếu tố con người. Sau đó dùng công nghệ trong chế biến, tiêu thụ và số hóa trong cả việc quản lý. Mục đích cuối cùng là để khi tới bàn ăn, người dùng có thể biết nguồn gốc của sản phẩm, quá trình hình thành và chăm sóc, ngay cả vận chuyển, khách hàng cũng biết lô hàng đó đến từ đâu, cảng nào, kho nào.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng nhận định, vai trò chuyển đổi số trong nông nghiệp rất cần thiết, trong điều kiện nông nghiệp Việt Nam của chúng ta hiện nay hầu hết là sản xuất quy mô nhỏ, hộ nông dân, còn doanh nghiệp đang đóng vai trò nhiều hơn là chế biến, phân phối sản phẩm.

Theo ông Thế Anh, người tiêu dùng rất quan tâm tới nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo an toàn và câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chứng minh được cho người tiêu dùng biết sản phẩm an toàn, sạch. Liệu số hóa sẽ giải quyết được vấn đề đó?

Hiện nay với các tiến bộ về công nghệ thông tin như điện thoại di động, internet, chức năng đọc mã QR… giúp cho việc truy xuất nguồn gốc điện tử trong chuỗi giá trị nông sản dễ dàng hơn, không chỉ ở các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân… số lượng sản phẩm được “định danh” đều tăng trưởng rất nhanh và đó là tín hiệu đáng mừng – ông Thế Anh nhận định.

Doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt

Theo đại diện Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, vấn đề áp dụng công nghệ vào chuỗi giá trị nông nghiệp có 2 vấn đề lớn, một là đào tạo về năng lực con người và hai là sự sẵn có của công nghệ.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện tại là một thách thức lớn, khi hộ sản xuất chiếm đến 70% – 80% là các hộ nông dân nhỏ, việc ứng dụng tin học, máy tính cần đào tạo hướng dẫn. Để giải quyết điều này, cách thức đào tạo duy nhất đó là vận động hộ nông dân tham gia vào các hợp tác xã, hoặc các doanh nghiệp có thể ký kết hợp đồng để hướng dẫn cho người dân. “Đây là nhu cầu rất lớn, hệ thống khuyến nông của Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung vào vấn đề đào tạo kỹ năng cho nông dân tham gia vào hợp tác xã, ứng dụng công nghệ thông tin” – ông Thế Anh nhận định.

Về mặt công nghệ, trong nhiều năm qua nhà nước tập trung hơn vào công nghệ chọn giống, công nghệ trồng trọt để tăng năng suất khu vực trồng trọt. Có thể thấy, Việt Nam đã thành công, bộ giống của chúng ta đối với cây trồng truyền thống như lúa, cà phê đã cho năng suất cao nhất trên thế giới, là mơ ước của nhiều nước. Tuy nhiên, với công nghệ chế biến sâu, bảo quản thì kết quả nghiên cứu chưa nhiều.

Theo ông Thế Anh, hiện nay, các doanh nghiệp có thể tính đến bài toán nhập công nghệ từ nước ngoài nhưng cần có sự tính toán hiệu quả. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn phải có vai trò dẫn dắt, thiết kế tiêu chuẩn thông tin để nhóm bộ phận nông dân, hợp tác xã làm theo.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Ủy viên BCH Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay khi áp dụng công nghệ, đối với doanh nghiệp lớn rất thuận lợi vì đồng bộ với số tiền đầu tư, nhưng với hộ kinh doanh, hợp tác xã nhỏ khi đầu tư như vậy sẽ mất rất nhiều tiền. Vì vậy, doanh nghiệp sau khi thử nghiệm công nghệ có thể chuyển giao cho những người nông dân làm cùng sản phẩm, từ đó giá thành sản phẩm sẽ giảm, đồng thời chất lượng nâng cao hơn.

Bên cạnh đó, theo ông Hoàng, để tạo sự phát triển bền vững của nông nghiệp, cần có sự cân bằng quyền lợi giữa người nông dân, chủ đầu tư, hợp tác xã. Nông dân có sức, có đất, làm được sản phẩm, nhà đầu tư thì có thị trường, quản trị, có thể đưa sản phẩm lên một tầm cao mới. “Để người nông dân làm chủ trên chính mảnh đất của họ thì sẽ thành công” – ông Hoàng chia sẻ.

Hiện nay, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đang cùng một số đơn vị công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu ví dụ như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… các tiêu chuẩn, ngân hàng kiến thức, xây dựng nền tảng dịch vụ công để hợp tác xã, hộ nông dân có thể tham gia, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp – ông Thế Anh cho biết thêm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *