Doanh nghiệp Trung Quốc chủ động đến tận cửa khẩu biên giới, thành lập Hiệp hội ở cửa khẩu biên giới, đi vào các vùng trồng, vùng sản xuất của Việt Nam để mua sản phẩm. Trong khi Việt Nam là bên bán lại chưa đặt đại diện, chưa “cắm rễ” được vào các trung tâm giao dịch nông lâm thuỷ hải sản thực phẩm của Trung Quốc…

Tại buổi giao thương nông sản, thực phẩm Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Đông) năm 2021, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết bất chấp dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 7 tháng năm 2021 vẫn đạt 28,8 tỷ USD tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm nông sản, thiết bị và linh kiện điện tử… Đến thời điểm này, Trung Quốc được đánh giá là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

ĐỘNG LỰC XUẤT KHẨU LÀ LINH KIỆN ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG

Quảng Đông là một tỉnh của Trung Quốc, nhưng dân số đông đến 120 triệu dân, GDP năm 2020 là 1.600 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu gần 1.100 tỷ USD.

Dù là địa phương nhưng tiềm năng tiêu thụ của thị trường Quảng Đông rất lớn. Do vị trí, địa lý và khí hậu nên tỉnh này có những sản phẩm nhiệt đới rất phong phú như xoài, vải, nhãn, dứa bưởi, cam quýt, gạo… Song Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội tại thị trường này.

Thương mại Việt Nam – Quảng Đông thời gian qua chiếm 20-21% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung. Năm 2020, thương mại song phương giữa Việt Nam và Quảng Đông đạt 41 tỷ USD.

Trong số 41 tỷ USD xuất nhập khẩu sang tỉnh Quảng Đông, Việt Nam xuất khẩu trên 21 tỷ USD và nhập khẩu hơn 19 tỷ USD. Năm 2020 Việt Nam xuất siêu sang Quảng Đông 1,43 tỷ USD.

Ông Nguyễn Duy Phú, Lãnh sự Thương vụ, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đánh giá nông sản, thuỷ sản, thực phẩm chỉ là mảng nhỏ trong thương mại song phương với Quảng Đông. Trong cơ cấu sản phẩm của Việt Nam với Quảng Đông, nhóm máy móc thiết bị và linh kiện điện tử chiếm 78-80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này và chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này.

Trong đó có mặt hàng rất đáng chú ý là linh kiện điện thoại di động chiếm tỷ trọng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta sang Quảng Đông trong cùng kỳ. Đây là sản phẩm rất mới chiếm tỷ trọng rất lớn và là động lực chính cho xuất khẩu của Việt Nam sang tỉnh Quảng Đông trong những năm qua.

Trong đó, xuất khẩu nhóm máy móc, thiết bị điện cơ và linh kiện điện tử sang Quảng Đông đạt tới 16,6 tỷ USD, chiếm trên 78% tổng kim ngạch xuất khẩu trong đó chủ yếu linh kiện điện thoại đạt 10,5 tỷ USD.

Cũng trong năm 2020 chúng ta xuất khẩu thuỷ sản 300 triệu USD, trái cây chủ yếu thanh long 183 triệu USD, gạo 160 triệu USD. Các loại nông sản khác như cà phê, trà, tiêu, ớt… xuất khẩu không nhiều. Xuất khẩu cà phê chỉ 450 ngàn USD, trà 300 ngàn USD, tiêu ớt 1,4 triệu USD, thực phẩm chế biến 60 triệu USD…

“Về cơ bản cơ cấu xuất khẩu sản phẩm sang Quảng Đông giai đoạn hiện nay tiến bộ so với trước đây, góp phần cải thiện bộ mặt cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó các sản phẩm gạo, thuỷ sản cũng cải thiện hơn”, ông Phú nhận xét.

 XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI CẦN VƯỢT RA KHỎI BIÊN GIỚI

Tiềm năng là vậy nhưng ông Phú lưu ý: “Trước khi vào rừng hái quả hay xuống ao bắt cá, chúng ta cần tìm hiểu rừng có quả gì, ao sâu hay nông. Với thị trường Trung Quốc cũng vậy”.

Kim ngạch xuất khẩu nông thuỷ sản của chúng ta sang Quảng Đông khá cao, phần lớn qua con đường chính ngạch là cảng biển Thẩm Quyến, cảng Nam Sa…

Tuy vậy, ông Phú cho rằng vẫn có những sản phẩm đi qua đường biên giới sau đó qua đường nội địa vào Quảng Đông. Do đó thủ tục thông quan không xảy ra ở địa bàn Quảng Đông. Đây là vấn đề cần lưu ý trong quá trình xúc tiến thương mại để đúng và trúng.

Có những doanh nghiệp lớn nhập khẩu ở Quảng Đông nhưng không nhập khẩu trực tiếp mà qua uỷ thác. Nên khi giao thương với những đối tác này họ không giải thích được những vấn đề về kỹ thuật thương mại mà chúng ta cần tìm các doanh nghiệp làm uỷ thác thương mại.

Điểm nữa, trong thời gian dịch bệnh này cần có thêm sự vào cuộc của các hiệp hội ngành hàng, địa phương đặc biệt hiệp hội liên quan tới trái cây, nông sản, thuỷ sản… không chỉ xúc tiến trong nước mà cần có hoạt động vượt ra khỏi biên giới.

Giống như Trung Quốc, mua nông thuỷ sản của Việt Nam nhưng họ chủ động đến tận cửa khẩu biên giới, thành lập Hiệp hội ở cửa khẩu biên giới, đi vào các vùng trồng, vùng sản xuất của Việt Nam để mua. Trong khi chúng ta là bên bán lại chưa đặt được các đại diện, chưa “cắm rễ” được vào các trung tâm giao dịch nông lâm thuỷ hải sản thực phẩm của Trung Quốc.

“Nên có đầu tư cho xúc tiến thương mại sâu hơn nữa, ngay tại trên thị trường Trung Quốc chứ không chỉ qua biên giới như hiện nay”, ông Phú khuyến cáo.

Đặc biệt, vấn đề xây dựng thương hiệu cũng cần được quan tâm. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cho biết họ nhập nhiều tôm Việt Nam, nhưng người dân ăn không biết đấy là tôm Việt Nam, họ chỉ biết tôm nhập khẩu.

Đơn cử như sản phẩm gạo, những năm 2017-2018 xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đến 1 triệu tấn, những năm gần đây chỉ vài trăm ngàn tấn, nhưng khảo sát ở các siêu thị Quảng Đông thì không có sản phẩm gạo nào dán nhãn Việt Nam.

Việt Nam xuất khẩu mạnh nhưng việc quảng bá thương hiệu tại thị trường nhập khẩu còn yếu. Các cơ quan xúc tiến thương mại trong nước, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần tính toán, không chỉ giao hàng xong là xong mà cần nghĩ đến việc sản phẩm của chúng ta ở thị trường đó được người tiêu dùng ăn thế nào, có dán mác Việt Nam không…

Ông Phú cũng phản ánh thực tế đáng suy ngẫm, đó là Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Quảng Đông từng nói thẳng, doanh nghiệp Quảng Đông nhập khẩu gạo Việt Nam để phối trộn làm thành thương hiệu riêng của họ. Trong khi đó, gạo Thái Lan, Campuchia có tên đoàng hoàng.

Muốn xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh trách nhiệm của nhiều cơ quan, bộ ngành, thì doanh nghiệp phải tính toán xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chứ không chỉ là xuất khẩu thanh toán xong đơn hàng là xong.

Ngoài ra, cần thúc đẩy xuất khẩu qua thương mại điện tử. Vì hiện nay thương mại điện tử tại Trung Quốc đang phát triển rất mạnh. Doanh nghiệp cần khai thác tốt kênh này trong quá trình quảng bá, xúc tiến thương mại.

Nguồn: VnEconomy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *