Cùng với sự phát triển như vũ bão của thương mại điện tử (E-commerce) ở Việt Nam với quy mô năm 2020 ước tính lên đến 13,2 tỉ đô la, tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 15% thì cơ hội cho logistics điện tử trong những năm sắp tới là không hề nhỏ.

Với chi phí logistics ước tính chiếm khoảng gần 10% doanh thu của các doanh nghiệp thì doanh số của hoạt động logistics điện tử ở Việt nam trong những năm tới sẽ đạt đến mức hàng tỉ đô la Mỹ trong thời gian không xa.

Logistics điện tử (e-logistics) là khái niệm tương đối mới không những đối với người dân, doanh nghiệp mà còn cả với các doanh nghiệp logistics truyền thống. Logistics điện tử được xem là 5PL logistics, tức logistics kết hợp với thương mại điện tử.

Khác với lĩnh vực logistics truyền thống chuyên “chặt to kho mặn” với những đơn hàng lớn, logistics điện tử có đặc thù riêng với những đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng đơn hàng lớn, nhiều chủng loại, tiến độ giao hàng nhanh, đòi hỏi độ chính xác cao.

Điểm khác biệt lớn nhất là trong khi phần lớn việc xử lý đơn hàng, báo giá logistics truyền thống được thực hiện bằng phương pháp thủ công, thì e-logistics đòi hỏi việc thực hiện logistics đầu vào (procurement) và logistics đầu ra (fulfillment) được xử lý bằng công nghệ thông tin, các quy trình được tự động hóa để đáp ứng số lượng đơn hàng lớn lên đến hàng triệu đơn mỗi ngày, hàng trăm ngàn chủng loại hàng hóa, tiến độ giao hàng chỉ trong vòng chỉ 1-2 giờ.

Sân chơi của những “ông lớn”

Thực tế cho thấy với số lượng doanh nghiệp logistics, vận tải và phát chuyển nhanh của Việt Nam hiện lên tới 30.000 doanh nghiệp nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong đó 90% số doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỉ đồng, 5% doanh nghiệp có vốn từ 10-20 tỉ đồng thì khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng e-logistics là nhiệm vụ bất khả thi.

Trong lĩnh vực logistics điện tử, công nghệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Để có thể tham gia đầy đủ vào chuỗi cung ứng logistics điện tử, các doanh nghiệp phải đầu tư hàng triệu đô la Mỹ vào dây chuyền phân loại hàng hóa. Với số lượng đơn hàng lên đến hàng triệu đơn mỗi ngày, nhiều chủng loại, phân tán nhiều địa điểm giao hàng khác nhau nếu không trang bị hệ thống phân loại hàng tự động thì không thể nào đáp ứng nhu cầu giao hàng và không đảm bảo độ chính xác nếu phân loại thủ công. Nhiều doanh nghiệp logistics nhỏ hiện nay chỉ xử lý đơn hàng và phân loại hàng hóa bằng phương pháp thủ công nên chỉ phù hợp với các doanh nghiệp bán lẻ có quy mô nhỏ, chủng loại hàng hóa riêng lẻ.

Bên cạnh việc đầu tư hệ thống tự động phân loại hàng hóa, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics điện tử cũng phải trang bị thêm các phần mềm hệ thống quản lý đơn hàng (OMS), quản lý kho (WMS), quản lý vận tải (TMS), quản lý tổng thể (ERP)… để kết nối các hạ tầng thông tin với nhau, nhằm cung cấp thông tin theo thời gian thực, như trong tra cứu thông tin về đơn hàng mọi lúc, mọi nơi. Chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ như vậy cũng lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng, là gánh nặng quá lớn với các doanh nghiệp logisctics vừa và nhỏ.

Một trong những rào cản lớn nữa để các các doanh nghiệp logistics Việt Nam khi tham gia vào lĩnh vực e-logistics là đầu tư hệ thống kho bãi để quản trị lưu kho và dự trữ hàng hóa. Trừ các doanh nghiệp nước ngoài và một số doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn có hệ thống kho bãi riêng, phần lớn các doanh nghiệp logistics hiện nay nếu có kinh doanh mảng kho bãi đều không đủ năng lực tài chính để đầu tư hệ thống kho bãi của riêng mình mà phải đi thuê bên ngoài và tất nhiên chi phí logistics trong chuỗi e-logistics sẽ không thể nào cạnh tranh được.

Logistics điện tử đòi hỏi doanh nghiệp phải có hệ thống chi nhánh, đại lý, kho hàng phân bố rộng khắp trong nội thị cũng như các địa bàn cả nước để bảo đảm phủ sóng tất cả các đơn hàng với thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, đây là một thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp logistics nhỏ. Trên thị trường Việt Nam hiện nay chỉ có các tập đoàn lớn của nước ngoài như DHL, Feedex… hoặc các doanh nghiệp chuyển phát lớn của Việt Nam như Viettel Post, Vietnam Post… mới có thể đáp ứng được nhu cầu này.

Mặt khác, lĩnh vực logistics điện tử đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao để tham gia vào chuỗi cung ứng vì các quy trình xử lý trong chuỗi logistics điện tử đều liên quan đến các kiến thức công nghệ mới, khác nhiều so với kiến thức logistics truyền thống nhưng thực tế hiện nay các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn còn thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường cho dù có đủ tiềm lực về tài chính.

Cần thay đổi nhanh chóng để không mất thị phần

Trước sự tăng trưởng nhanh chóng và sôi động của thương mại điện tử (e-commerce), chính phủ và các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần có chương trình hành động nhanh chóng để không để mất thị phần ngay trên trên sân nhà.

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp logistics Việt nam khi tham gia lĩnh vực e-logistics là đầu tư hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu của thương mại điện tử. Vì vậy, Chính phủ nên chi ngân sách để huy động các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam xây dựng, chuyển giao các phần mềm quản trị e-logistics cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam trên cơ sở miễn phí hoặc giá ưu đãi để các doanh nghiệp đều có cơ hội sử dụng và tham gia vào chuỗi cung ứng e-logistics.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, lãi vay để hỗ trợ các doanh nghiệp logistics Việt nam có quy mô lớn có điều kiện đầu tư hệ thống kho bãi, hệ thống phân loại hàng hóa, đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn lớn của nước ngoài.

Các doanh nghiệp chuyển phát lớn trong nước, có uy tín trong lĩnh vực chuyển phát trong nhiều năm qua như Vietnam Post, Viettel Post cần nhanh chóng đổi mới công nghệ, đào tạo lại nguồn nhân lực để đủ sức cạnh tranh. Với lợi thế có hệ thống đại lý, bưu khắp cả nước, phủ sóng cả khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, hệ thống kho bãi được đầu tư cho hoạt động chuyển phát trên khắp cả nước thì đây là lợi thế cạnh tranh không hề nhỏ mà các đối thủ khác không thể có. Nếu được đầu tư công nghệ, thay đổi cách quản trị thì các doanh nghiệp hàng đầu này đủ sức cạnh tranh công bằng với các đối thủ nước ngoài, không nói là có ưu thế hơn.

Đối với các doanh nghiệp logistics nhỏ và siêu nhỏ chưa có điều kiện đầu tư công nghệ hoặc đầu tư hệ thống kho bãi cũng có thể tham gia vào các thị trường ngách, quy mô nhỏ, chủng loại hàng đơn chiếc để phục vụ các doanh nghiệp bán lẻ, các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội hoặc các nền tảng ứng dụng di động. Hoạt động trong những thị trường ngách như vậy sẽ vừa tầm với quy mô doanh nghiệp hơn vì các yêu cầu chất lượng dịch vụ logistics đối với những khách hàng này cũng không quá cao.

Nhu cầu nhân lực là yếu tố vô cùng quan trọng để vận hành hệ thống logistics điện tử. Vì đây là lĩnh vực mới trong hoạt động logistics, đòi hỏi kỹ năng cao hơn so với logistics truyền thống nên cần đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực logistics. Công việc này đòi hỏi sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội và các trường đại học để cung cấp nền tảng kiến thức bổ sung cho nhân lực ngành e-logistics, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của ngành.

Nguồn: thesaigontimes.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *