Trong khối Liên minh châu Âu, Hà Lan là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đây là thị trường cửa ngõ và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất vào châu Âu.

Hàng hóa nhập khẩu vào Hà Lan ngoài việc phục vụ tiêu thụ nội địa của thị trường này, còn một lượng lớn hàng hóa được tái xuất khẩu sang các quốc gia EU khác. Việt Nam cũng được đánh giá là đối tác hàng đầu của Hà Lan tại châu Á và thực thi EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai nước và là thời điểm thích hợp để hai bên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác.

Hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải theo hướng phát triển bền vững. Chính phủ và các doanh nghiệp Hà Lan có nhiều quan tâm trong việc hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng. Việt Nam đã, đang và vẫn là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư Hà Lan, và cộng đồng doanh nghiệp hai nước nỗ lực hơn nữa để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh mới, tối ưu hóa lợi ích mà EVFTA mang lại.

Việt Nam cũng là thị trường chiến lược ở châu Á đối với các doanh nghiệp Hà Lan.Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy Hà Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất của EU đối với hàng hóa Việt Nam, đồng thời cũng là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Thương mại song phương đã tăng trưởng trung bình 11,78% một năm trong 5 năm qua. Năm 2020, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 vẫn tăng 0,22% hàng năm lên 6,26 tỷ USD. Nhập khẩu từ Hà Lan trong giai đoạn này giảm 4,13% xuống còn 582,4 triệu USD. Tính đến cuối tháng 11 năm 2020, tổng vốn đầu tư của Hà Lan vào Việt Nam đạt 10,4 tỷ USD với 375 dự án. Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát năm 2020 đã khiến hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan gặp nhiều khó khăn, nhưng tính chung cả năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước vẫn tăng 1,5% so với năm 2019, lên 7,7 tỷ USD nhờ thời điểm sau khi EVFTA có hiệu lực. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Hà Lan tăng 1,7% so với năm 2019 lên gần 7 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu giảm nhẹ 0,6% xuống 657 triệu USD.

Trong những tháng đầu năm 2021, cùng với những tác động tích cực từ thực thi Hiệp định EVFTA, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan tiếp tục đạt những kết quả khả quan trong bối cảnh các doanh nghiệp hai nước nói riêng và doanh nghiệp toàn cầu nói chung phải đối mặt với tác động khắc nghiệt của Covid-19 và giá cước vận tải liên tục tăng lên những mức cao kỷ lục. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hà Lan đạt 4,2 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 15% tỷ trọng trên tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với toàn khối EU. Trong đó, Việt Nam xuất siêu sang Hà Lan đạt 3,6 tỷ USD, tăng 21% so với mức 2,9 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, Hà Lan hiện là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam trong toàn khối EU.

Trong quý II/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hà Lan đạt 1,97 tỷ USD, tăng 3,3% so với quý I/2021, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hà Lan trong 6 tháng đầu năm 2021 lên gần 3,9 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 18,3% sang toàn khối EU trong cùng thời gian. Kết quả này phần nào cho thấy việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA bước đầu đã đem lại hiệu quả trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hà Lan. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hà Lan gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, dệt may, hạt điều; túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù … Trong đó, nhiều mặt hàng vốn đã có lợi thế được hưởng mức thuế ưu đãi rất thấp từ chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và hiện được hưởng tiếp các mức lãi suất về 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Hiện Hà Lan là thị trường xuất khẩu hạt điều, rau quả và thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU với kim ngạch chiếm 53% đối với hạt điều và rau quả, chiếm gần 21% đối với mặt hàng thủy sản trên tổng xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hạt điều và rau quả sang Hà Lan đều giảm lần lượt 12,6% và 8,9% so với cùng kỳ năm trước xuống 168,5 triệu USD và 38,8 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu cà phê cũng giảm 16,9% trong khi xuất khẩu thủy sản chỉ tăng nhẹ 4,8%. Xuất khẩu hàng hóa sang Hà Lan dự kiến sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khả quan trong thời gian tới Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu ngoại khối lớn thứ 9 của Hà Lan và lớn thứ nhì trong khu vực ASEAN (chỉ đứng sau Malaysia). Mặc dù vậy, tỷ trọng hàng Việt Nam tại Hà Lan còn khá khiêm tốn.

Các đối thủ cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam tại thị trường Hà Lan là Ấn Độ, Ecuador và Philipin. Theo số liệu của Eurostat, trong 4 tháng đầu năm 2021, giá nhập khẩu trung bình các mặt hàng chủ lực như tôm và cá ngừ của Hà Lan từ những thị trường này đều thấp hơn so với mức giá nhập khẩu bình quân từ Việt Nam. Trong khi đó, Hà Lan cũng nhập khẩu chính nhóm rau quả và sản phẩm đã qua chế biến từ các thị trường thuộc châu Mỹ như Peru, Chile, Brazil, Hoa Kỳ hay Costa Rica nhờ sự cạnh tranh về giá và thời gian vận chuyển, nhất là đối với những sản phẩm trái cây tươi. Vì vậy, để hàng nông sản, thủy sản Việt Nam thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Hà Lan nói riêng và EU nói chung trong thời gian tới đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và giải những bài toán để có thể cạnh tranh được về giá. Với nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng: Triển vọng xuất khẩu nhóm hàng tiêu dùng sang thị trường Hà Lan cũng khả quan khi chi tiêu tiêu dùng của người dân nước này đang có xu hướng tăng.

Nhập khẩu hàng hóa từ Hà Lan trong quý II năm nay tiếp tục phục hồi với kim ngạch nhập khẩu đạt 184,6 triệu USD, tăng 18,8% so với quý I/2021, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hà Lan trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 340,1 triệu USD, tăng 11,6% và chiếm 4% tỷ trọng trên tổng nhập khẩu hàng hóa từ EU. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Hà Lan chủ yếu là máy móc, thiết bị chiếm 19,8% tổng kim ngạch, tiếp đến là dược phẩm chiếm 10,6% và linh kiện ô tô chiếm 10,5%. Trong 6 tháng qua, cao su là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh nhất, tăng 989,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,2 triệu USD, chiếm 0,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hà Lan.

Nguồn: Công Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *