Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam. Do đó, cùng với việc tuyên truyền phổ biến cho người dân, doanh nghiệp, cần có bước chuẩn bị kỹ lượng các điều kiện xuất khẩu nông sản đáp ứng được các tiêu chí mà phía Trung Quốc đưa ra.

Siết chặt kiểm dịch nhập khẩu

Tại buổi làm việc trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với các tỉnh có cửa khẩu biên giới xuất khẩu (XK) nông sản sang Trung Quốc diễn ra mới đây, ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – thông tin, Hải quan Trung Quốc vừa có văn bản áp dụng quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu (NK) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Khi văn bản có hiệu lực, chắc chắn Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, Bộ NN&PTNT cần sớm phổ biến cho các địa phương để hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, có mã số vùng trồng; doanh nghiệp (DN) đáp ứng các quy định của phía bạn về bao bì, nhãn mác, chất lượng.

Trong khi đó, ông Lương Trọng Quỳnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn- thông tin, hiện nay Việt Nam được phép XK sang Trung Quốc gồm 9 loại trái cây gồm: Thanh Long, nhãn, xoài, vải, chuối, mít, chôm chôm, dưa hấu, măng cụt. Tuy nhiên, có đến 8/9 loại trái cây là chưa ký kết thỏa thuận về kiểm dịch thực vật (mới ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối măng cụt). Nên khi XK sang Trung Quốc vẫn đang phải kiểm hóa 100% các lô hàng. Do đó, thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với việc thông quan các loại trái cây khác của các nước khác, như Thái Lan thì kiểm tra có 30%. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, phía bạn yêu cầu các sản phẩm hoa quả chở bằng container lạnh phải làm tốt công tác phòng chống dịch.

Do đó, các địa phương khuyến nghị, các đơn vị XK phải nắm bắt hàng ngày thông tin về số lượng, tiêu chuẩn với nông sản NK từ phía Trung Quốc. Đặc biệt là không đưa trái cây tại vườn chưa có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, chưa được đóng gói tại các xưởng mà Tổng cục Hải quan xác nhận. 8 loại trái cây chưa được Trung Quốc ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật cần tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt trước khi thông quan.

Chuẩn bị kỹ kịch bản

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tổng kim ngạch xuất NK nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 là 8,67 tỷ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 35,8%.

XK nông, lâm, thuỷ sản sang Trung Quốc tăng mạnh, song giao thương với thị trường tỷ dân này hiện cũng đang đối mặt không ít khó khăn, vướng mắc khi phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, cần có sự phối hợp từ các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và Trung Quốc để cùng tạo thuận lợi cho việc thông quan nông sản.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Toản- Phó Cục trưởng Cục Xuất NK- Bộ Công Thương cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc để có những thông tin sớm nhất về các chính sách xuất NK nông sản. Cập nhật liên tục các thông tin về cửa khẩu, biên giới để kịp thời phản ánh, giúp các Bộ, ngành liên quan xử lý sớm các vấn đề phát sinh. Từ đó, Bộ NN&PTNT có thể điều chỉnh thời vụ, cũng như cách thức bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản trong điều kiện dịch bệnh.

Đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT triển khai ngay việc thông tin, hướng dẫn các địa phương, DN về quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa NK có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Đẩy nhanh việc ký kết Nghị định thư kiểm dịch thực vật đối với 8 lại trái cây trên, tạo thuận lợi trong XK trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thường xuyên có sự trao đổi với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và các địa phương biên giới về các cơ chế chính sách mới của Trung Quốc để các Bộ, ngành, địa phương nắm được, cùng phối hợp triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất NK 2 bên.

Trong bối cảnh lưu thông đường bộ và đường thủy được siết chặt để kiểm soát dịch bệnh Covid-19, theo ông Tô Ngọc Sơn- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), đề cập đến vấn đề về tính khả thi và việc phối hợp trong việc thực hiện xuất NK hàng hóa thông qua hệ thống đường sắt. “Một chuyến tàu có thể chở hàng chục container, có nghĩa chúng ta sẽ giảm được chừng ấy xe trên đường bộ”, ông Sơn nhận xét.

Theo ông Sơn, Bộ Công Thương đang xây dựng giao thức kiểm dịch trên đường sắt, dựa trên cơ sở kiểm dịch của đường bộ, đường thủy. Nếu có thể khắc phục được các vấn đề về khổ đường ray, hay container lạnh, đây sẽ là phương thức giao thương tiềm năng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trước kiến nghị của các địa phương, bộ, ngành, ông Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- yêu cầu các đơn vị của Bộ liên tục cập nhật thông tin từ phía Trung Quốc, ngoài hướng dẫn sản xuất bằng văn bản, cần hướng dẫn thêm bằng trực tuyến, trực tiếp tại cơ sở để người dân, địa phương sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu trong XK. Cục Bảo vệ thực vật cần giảm thiểu tối đa các quy trình kiểm dịch thực vật trong phạm vi cho phép. “Chúng ta cần chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ mã số vùng trồng, vùng nuôi, kiểm dịch động vật, thực vật, quy trình canh tác, cho tới bao bì, đóng gói và khâu vận chuyển. Muốn làm được như vậy, các bên phải liên tục giữ liên lạc và thông tin cho nhau”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cam kết chung sức cùng Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, để quá trình thông quan nông sản hàng hóa được thuận lợi, ông Hồ Tỏa Cẩm- Tham tán Kinh tế – Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam- cho biết, những kiến nghị của địa phương, các bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong XK nông thủy sản hàng hóa giữa hai bên, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT phản ánh tới Đại sứ quán dưới hình thức công hàm để phía chúng tôi gửi ngay đề các bộ, ngành liên quan phía Trung Quốc. Đồng thời, đề nghị lập các hội nghị trực tuyến, giúp hai nước trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, trước khi trả lời bằng văn bản.

Nguồn: Công Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *