Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong các tháng tới sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu từ Hoa Kỳ và EU tăng. Đặc biệt là tại Mỹ, trong đại dịch Covid-19, người dân nước này lại có xu hướng tăng sử dụng các sản phẩm từ thuỷ sản so với trước khi có dịch.
Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ tăng mạnh nhất 3 năm qua
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu thủy sản các loại của Việt Nam trong tháng 4/2021 đạt 750,1 triệu USD, tăng 21,8% so với tháng 4/2020 . Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 10,5% so với 4 tháng đầu năm 2020.
Trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021, chiếm 57,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Đặc biệt, trong các tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất và nhiều tiềm năng của Việt Nam.
Cụ thể, xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ cả 2 năm 2020 và 2019, tăng lần lượt 28,2% và 25,5%.
Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ tăng từ 15,9% trong tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng của cả nước 4 tháng đầu năm 2019, lên 19,5% trong 4 tháng đầu năm 2021.
Trong cả năm 2020 và các tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ diễn biến phức tạp, nhưng nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản của nước này vẫn tăng cho thấy người tiêu dùng Hoa Kỳ có xu hướng tăng lựa chọn thủy sản trong bữa ăn.
Các con số thống kê cho thấy tiêu dùng thủy sản của Hoa Kỳ đã tăng mạnh trong đại dịch Covid-19 và có xu hướng kéo dài. Dự báo tiêu thụ thủy sản tươi và đông lạnh sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới so với mức bình thường trước đại dịch.
Theo đó, doanh thu bán thủy sản tươi tháng 4/2021 tại Mỹ đã tăng 11,5% so với tháng 4/2020, đạt 552 triệu USD. So với tháng 4/2019, doanh thu thủy sản tươi tháng 4/2021 tăng 26,5%.
Các thương nhân xuất khẩu thủy sản cũng cho biết, Mỹ đang tăng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam và xu hướng này sẽ tiếp tục trong những tháng tới. Các doanh nghiệp lớn xuất khẩu cá tra vào Mỹ đều ổn định và không vướng vấn đề gì với thị trường.
Bên cạnh thị trường Mỹ, xuất khẩu thuỷ sản sang một số thị trường khác cũng có sự tăng trưởng, gồm Nhật Bản, Anh, Úc, Canada, Nga.
Tại thị trường Nhật Bản, quý I/2020 xuất khẩu đạt 307,12 triệu USD, chiếm 17,7%, giảm 2%. Nhưng riêng trong tháng 3/2021, xuất khẩu thuỷ sản sang Nhật Bản lại đạt 125,12 triệu USD, tăng 79,5% so với tháng 2/2021, giảm 2,7% so cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường EU, xuất khẩu thủy sản trong quý I/2020 đạt 237,82 triệu USD tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sang Trung Quốc quý I/2021 đạt 161,58 triệu USD, chiếm 9,31% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong quý này, tăng 15,09% so với quý I/2020; Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, quý I/2021 đạt 161,28 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, bên cạnh sự nhanh nhạy thích ứng với xu hướng dịch chuyển nhu cầu của thị trường, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, VNEAEU, UKVFTA cũng là lực đỡ để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tăng tỷ trọng trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang các thị trường Anh, Úc, Canada và Nga trong 4 tháng đầu năm 2021.
Dự báo xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ, EU tiếp tục tăng
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong các tháng tới sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu từ Hoa Kỳ và EU tăng.
Đặc biệt là người Mỹ đang có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn các mặt hàng tôm, cá tra, cá ngừ và một số sản phẩm thuỷ sản khác.
Theo ước tính của Change Tastes (một công ty tư vấn thực phẩm), trong năm 2020, Mỹ đã nhập khẩu khoảng 22-23 tỷ USD thuỷ sản, chiếm khoảng 1/8 tiêu thụ thuỷ sản toàn cầu. Con số này đã tăng gấp 3 lần trong 25 năm qua và vẫn tiếp tục tăng bất chấp dịch Covid-19.
Theo Arlin Wasserman – Giám đốc Điều hành Change Tastes, người tiêu dùng Mỹ ngày càng có nhu cầu tiêu thụ nhiều thuỷ sản hơn so với thịt, và mong muốn đa dạng các mặt hàng thuỷ sản. Vì vậy, việc cần làm là tăng nhanh danh mục sản phẩm với nhiều chủng loại, và tăng hương vị mới.
Trong đó, theo Change Tastes, tôm là loài được ưa chuộng nhất ở Mỹ. Tiếp theo là cá hồi, bạch tuộc, cá ngừ, cua…; các sản phẩm thuỷ sản sấy, hun khói, ướp lạnh cũng thường được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng vì sự tiện lợi.
Bên cạnh đó, nhu cầu thủy sản cao cấp từ EU cũng được dự báo tăng khi các nhà hàng được mở cửa trở lại.
Sau nhiều tháng chống chọi với đại dịch Covid-19, châu Âu hiện đạt được bước tiến trong tiêm phòng, kinh tế dần hồi phục, nhiều nước trong khu vực mở cửa, thậm chí đón khách du lịch quốc tế.
Pháp đã cho phép mở cửa trở lại các quán bar và nhà hàng phục vụ ngoài trời vào ngày 19/5/2021 khi số ca Covid-19 cần điều trị tích cực đang giảm dần. Đức cũng dự kiến cho phép các nhà hàng phục vụ khách ngoài trời…
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý việc thiếu các container vận chuyển do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng tại Hoa Kỳ, châu Âu và giá cước vận chuyển cao sẽ phần nào gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam.
Nguồn: Dân Việt