Nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để kinh tế Việt Nam phát triển đột phá một cách bền vững. Chuyển đổi số nhằm phát triển nông nghiệp số chính là một trong những chìa khóa để giúp người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất.

Nông nghiệp số dưới góc nhìn kinh tế số và chính phủ số

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: CĐS nhằm phát triển nông nghiệp số để Việt Nam phát triển đột phá bền vững (Ảnh: Doãn Mạnh)

Sáng ngày 18/6 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực NN&PTNT.

CĐS nông nghiệp giúp người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã nêu một ví dụ tưởng tượng về người nông dân truyền thống và người nông dân thực hiện CĐS.

Theo đó, có một anh Nam truyền thống là một nông dân trồng trọt. Anh Nam CĐS vẫn là anh Nam, vẫn trồng trọt, nhưng theo cách khác.

Ở giai đoạn trước mùa vụ, anh Nam truyền thống không có lịch sử tín dụng và không có tài khoản ngân hàng, vì vậy, anh lấy số tiền tích trữ ít ỏi của cá nhân và vay mượn họ hàng để chuẩn bị cho mùa vụ.

Còn anh Nam CĐS sử dụng ứng dụng di động trên điện thoại thông minh để đăng ký khoản vay, sử dụng lịch sử thanh toán của mình để bảo lãnh các điều khoản. Tiền vay được chuyển vào tài khoản mobile money.

Anh Nam truyền thống đi trồng lúa, vì đây là giống cây anh hay trồng, có kinh nghiệm và đã trồng vào năm ngoái.

Còn anh Nam CĐS sử dụng ứng dụng tư vấn trồng trọt do Bộ NN&PTNT chủ trì phát triển trên điện thoại thông minh để lựa chọn cây trồng có tiềm năng nhất, được hỗ trợ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu về tình trạng dinh dưỡng đất trồng nơi anh Nam canh tác, dự đoán về thời tiết địa phương, thậm chí nhu cầu thị trường và giá nông sản cho mùa vụ này.

Anh Nam truyền thống không có và không biết sử dụng máy kéo, vì thế, anh dùng các công cụ thô sơ và trâu bò của người quen phụ giúp.

Còn anh Nam CĐS mở điện thoại, chọn ứng dụng tìm kiếm thuê máy cày, giống như người dân ở thành phố chọn Uber, Grab. Anh chọn ngày giờ mà nhà anh có kế hoạch cày bừa và tìm được 1 hộ ở xã khác xác nhận đồng ý cung cấp dịch vụ.

Ở giai đoạn trong mùa vụ, anh Nam truyền thống đi chợ địa phương để mua thuốc trừ sâu và các loại phân bón hóa học, nhưng đại lý mà anh thường mua lại hết sản phẩm anh cần nên anh không thể mua được.

Còn anh Nam CĐS lên sàn thương mại điện tử nông cụ và tìm kiếm cửa hàng chuyên bán hóa chất cho nông nghiệp. Anh nhanh chóng tìm được và đặt hàng chính xác loại hóa chất với mức giá rất hợp lý so với đại lý mà anh thường mua. Anh thanh toán và chọn nhận hàng tận nhà mà không cần phải đi lấy.

Sâu bệnh mùa này diễn biến đặc biệt tồi tệ và đã phá hoại một mảng của khu vực anh Nam truyền thống canh tác trước khi anh nhận ra và có biện pháp ngăn chặn.

Còn anh Nam CĐS nhận được thông báo từ ứng dụng tư vấn trồng trọt, cung cấp thông tin dịch sâu bệnh có khả năng ảnh hưởng đến khu vực canh tác của anh trong một vài tuần tới và khuyến nghị anh một số phương án phòng chống dịch bệnh để tránh thiệt hại vụ mùa.

Khi thu hoạch, anh Nam truyền thống khẩn trương tiến hành cất giữ nông sản vào nhà kho nhỏ hẹp của mình.

Còn anh Nam CĐS nhận được thông báo từ ứng dụng tư vấn trồng trọt nhắc anh thời điểm thu hoạch tối ưu dựa trên dự báo về giá và độ chín đo đạc được của cây trồng.

Ở giai đoạn sau mùa vụ, anh Nam truyền thống chở nông sản đi bán cho các thương lái ở địa phương. Nông sản mua này bị mất giá do được mùa. Anh nhận tiền và phần lớn mang đi trả khoản nợ đã vay. Anh tự nhủ: Mùa sau không làm nữa.

Còn anh Nam CĐS bán nông sản của mình trên một sàn thương mại điện tử. Nền tảng này cũng đảm nhận luôn cả công tác hậu cần, vận chuyển.

Ví dụ trên cho thấy sự khác nhau giữa người nông dân truyền thống và người nông dân CĐS. Nó cũng minh họa cho việc CĐS là thay đổi cách làm, thay đổi mô hình hoạt động nhờ vào dữ liệu và công nghệ số.

Từ ví dụ trên, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã trình bày những góc nhìn về nông nghiệp số. Theo đó, tại Việt Nam, nông nghiệp là lĩnh vực chiếm 14% GDP cả nước, chiếm gần 40% lực lượng lao động. Nông nghiệp đã phát triển vượt bậc, đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Những kết quả đạt được là rất đáng tự hào.

Nhưng thách thức là làm sao để nâng cao hiệu quả, nâng cao hiệu năng, nâng cao thu nhập cho người nông dân?

Xét ở góc độ này, dư địa cho nông nghiệp phát triển đột phá trong giai đoạn tới là rất lớn. Nói không quá, nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để kinh tế Việt Nam phát triển đột phá một cách bền vững.

Mục tiêu của chúng ta nói ngắn gọn là làm sao người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất.

CĐS nhằm phát triển nông nghiệp số chính là một trong những chìa khóa để thực hiện thành công mục tiêu này.

Nông nghiệp số dưới góc nhìn kinh tế số

Theo Thứ trưởng Dũng, thay vì đưa ra một khái niệm mang tính hàn lâm, chúng ta hãy nhìn nông nghiệp số theo một vài góc nhìn cụ thể.

Trong nông nghiệp số, bên cạnh tư liệu sản xuất truyền thống, người nông dân sử dụng thêm tư liệu số, đó là dữ liệu số và công nghệ số. Vì vậy, người nông dân sẽ phải có thêm một số tri thức, kỹ năng về thương mại, công nghệ, sinh học chứ không chỉ đơn thuần là kỹ năng sản xuất. Thay vì chỉ đơn thuần là “trông trời, trông đất, trông mây”, người nông dân sẽ “trông dữ liệu, trông dữ liệu và trông dữ liệu”. Thay vì chỉ đơn thuần mua giống cây, mua phân bón, người nông dân sẽ mua dữ liệu nữa. Và Nhà nước có thể giúp cho toàn bộ nông dân Việt Nam bằng cách tạo ra những dữ liệu cơ bản sẵn sàng và miễn phí.

Trong nông nghiệp số, bên cạnh bán nông sản, người nông dân có thể bán thêm cả sự trải nghiệm. Cách chúng ta nhìn nhận nên thay đổi, thay vì nhìn nhận chỉ là sản xuất nông nghiệp, hãy nhìn nhận thêm là kinh tế nông nghiệp, thay vì nhìn nhận chỉ là kinh tế nông nghiệp, hãy nhìn nhận thêm là kinh tế số nông nghiệp. Thay vì chỉ tìm cách đáp ứng nhu cầu “ăn cho no” thì hãy đáp ứng thêm nhu cầu “ăn cho ngon” Thay vì chỉ giải quyết bài toán cho nhu cầu của số đông thì hãy đáp ứng thêm bài toán cho nhu cầu cá thể hoá, nhu cầu của nhóm nhỏ người dùng khác biệt. CĐS, công nghệ số cho phép giải quyết vấn đề này. Đây chính là nông nghiệp số.

Chẳng hạn, người nông dân chỉ đơn giản là bán một nải chuối, hoặc một buồng chuối ở chợ, nơi người bán và người mua trực tiếp gặp nhau. Bằng việc đưa buồng chuối đó lên sàn thương mại điện tử, người nông dân đã cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm mới: Có thể mua được nải chuối mà không phải tới bất cứ chợ nào cả. Bằng việc gắn cảm biến Internet vạn vật, camera giám sát tại cây chuối từ khi còn bé, người nông dân có thể bán cả một cây chuối, cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm mới: Được tự mình theo dõi, thậm chí tự mình đưa ra công thức chăm sóc cây chuối từ lúc nó còn bé cho đến lúc thu hoạch buồng chuối mà không cần có một mảnh vườn nào cả.

Nông nghiệp số dưới góc nhìn kinh tế số và chính phủ số - Ảnh 1.

Viettel Post đã đưa vải thiều Bắc Giang đạt chuẩn xuất khẩu lên sàn TMĐT Vỏ Sò

Trong nông nghiệp số, người nông dân thời đại số có thể vượt qua được điểm yếu cố hữu của người nông dân ngàn đời nay. Đó là “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm”. Vì dữ liệu số càng chia sẻ thì lại càng giá trị, càng chia sẻ lại càng lớn lên thay vì nhỏ đi. Và vì thế, trong nông nghiệp số, người nông dân sẽ nhanh chóng thấy được lợi ích, giúp hình thành một hệ sinh thái, thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, và giúp hình thành chuỗi giá trị thay vì chỉ đơn thuần là chuỗi liên kết.

Nông nghiệp số dưới góc nhìn chính phủ số

Những góc nhìn nói trên là nhìn nông nghiệp số dưới góc nhìn kinh tế số. Vậy nếu nhìn nông nghiệp số dưới góc nhìn chính phủ số thì sao?

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt CĐS quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội.

Trong nông nghiệp số, ngành NN&PTNT cung cấp 100% DVCTT mức độ 4, chủ trì phát triển các nền tảng số phục vụ 9 triệu hộ nông dân, hãy mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở về nông nghiệp, kết nối giữa người nông dân và doanh nghiệp, dự báo thị trường, phổ cập kỹ năng cho bà con.

CĐS trong NN&PTNT, ngoài nông nghiệp số, nông dân số, còn nông thôn số. Nông thôn số cũng là một khái niệm mới, chưa được định nghĩa. Ở đây, tôi xin chia sẻ một số kết quả giai đoạn 1 của CĐS ở xã Yên Hoà, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Việc thực hiện CĐS cấp xã có thể được xem xét là một bộ phận của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Từ các góc nhìn trên, có thể thấy nông nghiệp số là một khái niệm vừa cũ, vừa mới. Nông nghiệp số là gì bản chất phụ thuộc vào việc chúng ta nghĩ thế nào và chúng ta làm thế nào. Vì vậy, những góc nhìn ở trên chắc chắn là chưa đầy đủ. Mỗi chúng ta có thể bổ sung thêm những góc nhìn nữa của bản thân mình.

CĐS giúp giải quyết một số bài toán cụ thể đối với ngành NN&PTNT như thế nào?

Việt Nam là số lượng hộ nông dân lớn, nhưng quy mô canh tác nhỏ, vốn đầu tư ít, thiết bị cũ, lạc hậu. Bài toán này dẫn đến điểm yếu là thiếu hợp tác, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thương lái trung gian. Vì đông và vì phụ thuộc thương lái trung gian nên chúng ta thường gặp phải bài toán cạnh tranh giữa chính những người nông dân với nhau. Cạnh tranh nhau để mua vật tư đầu vào, như phân bón, thuốc trừ sâu, nên phải trả giá cao. Cạnh tranh nhau để bán nông sản đầu ra, nên phải hạ giá. Hiệu ứng đám đông, người này kéo người kia, đầu vào thiệt mà đầu ra cũng thiệt, dễ bị thương lái thao túng, lợi dụng.

CĐS có thể giải quyết bài toán bằng các sàn giao dịch điện tử, loại bỏ các khâu trung gian, kết nối trực tiếp giữa người bán và người mua. Bản chất của CĐS, của công nghệ số chính là kết nối.

CĐS có thể giải quyết bài toán về giá cả nông sản, cho phép thu thập dữ liệu về giá cả trên thị trường ở nhiều địa phương, quốc gia khác nhau, so sánh giá cả tự động, cập nhật với tần suất hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng và thậm chí dự đoán giá cả trong tương lai.

CĐS có thể giải quyết bài toán bằng các nền tảng cộng tác, cho phép người nông dân trong cùng một ngành hàng kết nối với nhau mà không phụ thuộc khoảng cách địa lý. Người nông dân ở nông thôn không phải lên thành phố để xin làm việc tại các nhà máy chế biến mà vẫn có thể tham gia chuỗi giá trị đó ở ngay chính trên quê hương mình.

Bài toán thứ hai đó là tại Việt Nam, người nông dân sản xuất vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm định tính, ít dựa vào dữ liệu định lượng, gần như không có thông tin về các thông số trên chính vùng đất canh tác của mình như thời tiết, ánh sáng, lượng mưa hay khoáng chất.

Bài toán này dẫn đến điểm yếu là người nông dân không biết về lợi thế tự nhiên của mình hoặc không biết bảo vệ lợi ích dài hạn của mình, mà chỉ chạy theo lợi ích ngắn hạn, ví dụ, làm mất cân bằng hệ sinh thái, môi trường thiên nhiên, tác động đến đa dạng sinh học mà tự nhiên phải mất một quá trình dài mới tích lũy được.

CĐS có thể giải quyết bài toán bằng cách có một nền tảng dữ liệu số nông nghiệp để người nông dân biết và khai thác tốt nhất lợi thế mình có. Cơ quan nhà nước có thể tạo ra dữ liệu hữu ích cho người nông dân bằng cách phân tích điều kiện đất đai, hình ảnh vệ tinh, dữ liệu thời tiết hay các yếu tố khác. Sáng kiến Soil Health Cards với 158 triệu thẻ sức khỏe đất đai của từng vùng ở Ấn Độ đã giúp cải thiện tới 40% năng suất cho nông dân trong 5 năm vừa qua theo cách này.

Nông nghiệp số dưới góc nhìn kinh tế số và chính phủ số - Ảnh 2.

Dưa vàng được trồng theo giải pháp nông nghiệp thông minh của VNPT Technology, cho quả nặng trung bình từ 1,3 kg – 1,5 kg

Việc có dữ liệu còn giúp phát triển một dịch vụ mới, dịch vụ bảo hiểm mùa vụ cho người nông dân. Chẳng hạn, Kenya cung cấp dịch vụ bảo hiểm thời tiết chi trả cho người nông dân nếu một số điều kiện thời tiết bất lợi nhất định xảy ra. Trên cơ sở sử dụng 30 trạm thời tiết tự động thu thập dữ liệu thời tiết, từ đó xác định các trường hợp nhận được bồi thường.

Bài toán thứ ba là khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch tại Việt Nam mới chỉ làm ở quy mô nhỏ, thô sơ, dẫn đến nông sản bị hư hỏng nhanh, thời gian kéo dài ngắn, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng bị suy giảm.

CĐS có thể giải quyết bài toán bằng cách sử dụng các thiết bị cảm biến thu thập thông tin về môi trường bảo quản, sau đó tiến hành xử lý, phân tích. Dữ liệu sau khi phân tích sẽ được gửi lên màn hình thông báo cho các lái xe hoặc người quản lý kho theo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.

CĐS có thể giúp truy xuất nguồn gốc nông sản, cho phép minh bạch hóa quy trình, tiêu chuẩn chất lượng nông sản. Làm tốt việc minh bạch chất lượng sản phẩm là giải pháp để giúp những người nông dân làm ăn chân chính bán được sản phẩm đúng với công sức mà mình bỏ ra, cũng là giải pháp giúp chất lượng nông sản ngày càng gia tăng, bền vững.

Bài toán thứ tư là thời gian vận chuyển chậm, chi phí vận chuyển cao, dẫn đến giảm tính cạnh tranh. CĐS có thể giải quyết bài toán bằng cách kết nối với nhà giao vận, tối ưu hóa địa điểm kho hàng và lộ trình giao hàng.

Bài toán cuối cùng là người nông dân Việt Nam vẫn còn chưa dễ dàng trong việc tiếp cận các khoản tín dụng phục vụ sản xuất. CĐS có thể giải quyết bài toán bằng cách triển khai mobile money cho phép người nông dân có thể dễ dàng tiếp cận tín dụng chỉ với chiếc điện thoại thông minh mà mình có. Thông qua các lịch sử giao dịch và tín dụng, người nông dân có khả năng tiếp cận những khoản vay với lãi suất phù hợp.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề xuất một số hành động cụ thể mà Bộ NN&PTNT và Bộ TT&TT có thể xem xét, triển khai ngay như sau:

Thứ nhất là đầu mối làm việc. Bộ NN&PTNT sớm chỉ định, kiện toàn đơn vị chuyên trách về CĐS, sớm xây dựng Kế hoạch hành động CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn mà trọng tâm là phát triển kinh tế số nông nghiệp. Bộ TT&TT có thể giúp cùng xây dựng, cùng làm thông qua nhóm làm việc chung.

Thứ hai là thúc đẩy sự sẵn sàng. Hai Bộ giao đầu mối phối hợp, thúc đẩy sáng kiến phổ cập hạ tầng số theo hướng mỗi hộ nông dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ nông dân một đường cáp quang, phổ cập danh tính số cho người nông dân. Trong câu chuyện này, thực ra vai trò của các hợp tác xã là rất quan trọng, cần tập trung đầu tư, hỗ trợ, nâng cao năng lực hợp tác xã.

Thứ ba là phổ biến kỹ năng. Hai Bộ phối hợp triển khai sáng kiến phổ cập kỹ năng số cho người nông dân theo hướng tuyên truyền, phổ biến qua phương tiện truyền thông cơ sở, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, cấp chứng chỉ kỹ năng cho người nông dân thông qua các nền tảng số, đào tạo trực tuyến, liên tục phát triển tri thức cho người nông dân. Nói nôm na, chúng ta phải nhận thức làm nông là một nghề, mà đã là một nghề thì phải chuyên nghiệp hóa nó. Trong nhận thức của cá nhân tôi, đây là nghề truyền thống, đây là nghề hiện đại, đây là nghề cao quý và đây là nghề của muôn đời.

Thứ tư là phát động sáng kiến AgriTech. Một mình người nông dân thì không thể tự CĐS được. Một mặt, hai Bộ phối hợp phát động làn sóng doanh nghiệp công nghệ phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mặt khác, hai Bộ phối hợp phát động làn sóng mỗi hộ nông dân là một doanh nghiệp, một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ.

Thứ năm là phát triển nền tảng số. Nhà nước không đủ nguồn lực để giúp hàng triệu nông dân theo cách cũ, nhưng Nhà nước có thể giúp nông dân theo cách mới, theo cách của công nghệ số. Hai Bộ phối hợp điều phối, thúc đẩy phát triển, phổ biến một số nền tảng CĐS quan trọng, trong năm 2021 công bố Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp và Nền tảng truy xuất nguồn gốc. Nhà nước phải là người dẫn dắt, người kết nối, định hướng và cung cấp thông tin thị trường cho nông dân. Các nền tảng số sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Hai Bộ chung tay tìm kiếm, phát triển, thúc đẩy các nền tảng số phục vụ 9 triệu hộ nông dân, phục vụ nhu cầu kết nối, hợp tác giữa những người nông dân với nhau, phục vụ kết nối 9 triệu hộ nông dân với 162 doanh nghiệp chế biến, kết nối 9 triệu hộ nông dân với 100 triệu người dùng Việt Nam, kết nối 9 triệu hộ nông dân với 6 tỷ người trên thế giới./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *