Khoa học – công nghệ và tổ chức lại sản xuất được Bộ NN&PTNT đánh giá là 2 trụ cột quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại. Cả 2 khía cạnh trên đều có liên quan mật thiết với chuyển đổi số.
Thực trạng ứng dụng công nghệ
Trong thủy sản, cũng chuyển đổi số mạnh mẽ như việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu – thả lưới chụp, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ…
Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. Công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất…, giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản…
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận với một nền nông nghiệp khá manh mún, ít có các DN lớn như Công ty CP Nông nghiệp Trường Hải – THAGRICO để hình thành công nhân nông nghiệp thì quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp của Việt Nam còn chậm và độ phủ chưa rộng. Mô hình chuẩn quản trị sản xuất nông nghiệp: “Khu liên hợp + Công ty – Cụm xí nghiệp – Xí nghiệp – Nông trường” còn ít, nên hiện chưa có nhiều “nông dân số” như các nước trong khu vực. Tại các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia máy bay phun thuốc được đưa vào sử dụng khá phổ biến, chúng ta thì chưa.
Nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thấy sự kết hợp các hệ thống năng lượng hỗn hợp phục vụ sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau (điện lưới, mặt trời, điện gió,…) được sử dụng cho tưới tiêu và kho lạnh, với mục đích phục vụ cho các trang trại nhỏ và các khu vực vùng sâu, vùng xa hoặc không có điện. Dường như chúng ta đang đi sau rất nhiều quốc gia trong khu vực.
Mục tiêu chuyển đổi số
Mục tiêu đến năm 2025 về phát triển Chính phủ số trong nông nghiệp đó là cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và DN, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân năng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.
Về tầm nhìn chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 được xác định nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Chuyển đổi số giúp kết nối 9 triệu hộ nông dân với các DN chế biến, thương mại gắn với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới. Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị đã tồn tại của nền nông nghiệp nước ta hàng chục năm qua.
Mục tiêu chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT là thúc đẩy nông dân, các DN tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Bộ sẽ tham gia vào tất cả quá trình quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và DN tham gia vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Bộ NNPTNT đã đặt ra mục tiêu xây dựng 80% cơ sở dữ liệu số về nông nghiệp, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng am hiểu về tri thức nông nghiệp về các lĩnh vực cây trồng, vật nuôi, thủy sản, chế biến… Người nông dân cần được tiếp cận bản đồ số nông nghiệp và được cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và DN, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Từng bước hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số
Để chuyển đổi số trong nông nghiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính thực tiễn cao nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0. Từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới.
Nhiều ý kiến cũng khuyến nghị rằng đầu tư vào tư duy cho người dân là quan trọng nhất. Nếu có tư duy tốt, có các chương trình phát triển tư duy trực tiếp cho người dân, cứ cho 1 triệu người, có khoảng 10.000 người áp dụng tư duy chuyển đổi số thì cũng thay đổi cả triệu người. Quan trọng hơn cả là cần sự kết hợp của cả chính sách và trình độ dân trí để chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp.
Theo đánh giá, tiềm năng của chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam là rất lớn vì được sự ủng hộ cao từ các cơ quan, bộ, ngành cho đến các DN công nghệ, DN nông nghiệp. Đây là xu hướng toàn cầu, không ai có thể đi ngược lại. Do đó, cần phải làm tốt hơn, đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất trong tương lai, tiến tới một nền nông nghiệp thông minh.
“Việc kết nối vạn vật, kết nối với người và vật quá khó khăn dẫn đến câu chuyện giải cứu trong nhiều mùa vụ, mang tính chu kỳ. Chỉ khi được định vị và minh bạch dữ liệu, thông tin thì ngành nông nghiệp mới có thể vươn xa hơn. Thêm nữa, minh bạch cũng tạo nên thương hiệu của nền nông nghiệp có trách nhiệm. Dù việc thay đổi sẽ có nhiều khó khăn bởi chúng ta đã quen với ngôi nhà cũ, khi chuyển sang ngôi nhà mới sẽ có những bỡ ngỡ ban đầu, nhưng bổn phận của chúng ta là phải thay đổi.” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan |
Nguồn: kinhtedothi.vn