Rào cản về thể chế kinh tế là những trở lực của “luật chơi” (do Nhà nước và cộng đồng đặt ra) và cách tổ chức thực thi “luật chơi” (của bộ máy quản lí kinh tế của Nhà nước) đối với hoạt động của các chủ thể tham gia trong nền kinh tế.

Rào cản về thể chế kinh tế

Khái niệm

Rào cản về thể chế kinh tế là những trở lực của “luật chơi” (do Nhà nước và cộng đồng đặt ra) và cách tổ chức thực thi “luật chơi” (của bộ máy quản lí kinh tế của Nhà nước) đối với hoạt động của các chủ thể tham gia trong nền kinh tế.

Nói một cách đơn giản hơn, rào cản về thể chế kinh tế là những trở lực do hệ thống luật pháp và chính sách của Nhà nước, do các qui tắc của cộng đồng, do việc tổ chức thực thi pháp luật và chính sách của bộ máy quản lí nhà nước về kinh tế các cấp, do không bảo đảm các quyền của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân khi tham gia hoạt động trong nền kinh tế, ở một thời kì nhất định.

Tính hai mặt và bản chất

– Rào cản về thể chế kinh tế cũng có tính hai mặt của nó, tích cực và tiêu cực

Mặt tích cực có thể thấy như: rào cản thuế quan, rào cản phi thuế quan, rào cản kĩ thuật,… các quốc gia thường dùng để ngăn chặn sự xâm nhập của các loại hàng hóa từ bên ngoài vào có thể làm ảnh hưởng đến sản xuất của các mặt hàng đó ở trong nước.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, khi nói đến rào cản về thể chế kinh tế, người ta thường đề cập đến mặt tiêu cực, mặt hạn chế của nó là chính.

– Bản chất của rào cản về thể chế kinh tế là sự kìm hãm phát triển (cả kinh tế – xã hội). Sở dĩ như vậy vì, rào cản về thể chế kinh tế tác động hết sức xấu đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đặc biệt là làm thất thoát, lãng phí các nguồn lực phát triển, làm nản lòng các chủ thể tham gia hoạt động trong nền kinh tế, từ đó làm giảm động lực phát triển của nền kinh tế, làm thui chột tính năng động, sáng tạo của người lao động, làm giảm lòng tin của người dân đối với Nhà nước, làm xấu hình ảnh của quốc gia với bạn bè trên thế giới.

Phân loại rào cản về thể chế kinh tế

1. Rào cản về luật pháp, chính sách

Rào cản về luật pháp và chính sách được đề cập ở đây chủ yếu nói đến những hạn chế, những bất cập do hệ thống luật pháp và chính sách vĩ mô của Nhà nước tạo ra đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung, đến hoạt động của các chủ thể (doanh nghiệp, tổ chức, người dân) tham gia trong nền kinh tế nói riêng.

2. Rào cản về bộ máy và năng lực tổ chức triển khai thực thi luật pháp và chính sách của bộ máy quản lí nhà nước về kinh tế.

3. Rào cản từ các qui tắc của cộng đồng

Rào cản đến từ các qui tắc do cộng đồng đưa ra thường là những điều cấm kị đối với tổ chức và người dân một địa phương nào đó, khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm giữ truyền thống hoặc một nét văn hóa nào đó của địa phương.

Chẳng hạn, ở một vùng nào đó người ta cấm không được ăn thịt bò, thì đương nhiên những người kinh doanh thịt bò ở đây sẽ bị cản trở bởi qui định của cộng đồng.

Ngoài ra, còn có rào cản về quyền của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân trong việc tham gia hoạch định và thực thi chính sách phát triển kinh tế – xã hội.

(Tài liệu tham khảo: Một số vấn đề cơ bản của rào cản về thể chế kinh tế, Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu Dân cử)

Nguồn: vietnambiz.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *