A. Mạng cung ứng kỹ thuật số (Digital Supply Network) là gì?
Chuỗi cung ứng truyền thống là một chuỗi tuyến tính (linear). Cấu thành nên nó là một tiến trình rời rạc gồm các hoạt động Plan, Source, Make, Deliver. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều chuỗi cung ứng bắt đầu có sự chuyển dịch. Từ chuỗi cung ứng vật lý (supply chain) sang mạng cung ứng kỹ thuật số (digital supply network). Từ một trình tự ổn định thành một hệ thống năng động được kết nối với nhau. Điều đó cho phép doanh nghiệp dễ dàng liên kết với hệ sinh thái đối tác hơn và phát triển lên trạng thái tối ưu hơn theo thời gian.
Một hệ thống cung ứng mở, được kết nối với nhau này được gọi là Mạng cung ứng kỹ thuật số (Digital Supply Network – DSN).
B. Mạng cung ứng kỹ thuật số hoạt động như thế nào?
Mạng cung ứng kỹ thuật số thiết lập một “chuỗi kỹ thuật số” (digital thread) thông qua các kênh vật lý (physical channels) và kỹ thuật số (digital channels). Chuỗi kỹ thuật số này kết nối thông tin, hàng hóa và dịch vụ theo những cách mạnh mẽ sau:
- Vật lý sang kỹ thuật số (Physical to Digital): Ghi lại tín hiệu và dữ liệu từ thế giới vật lý để tạo bản lưu trữ kỹ thuật số.
- Kỹ thuật số sang kỹ thuật số (Digital to Digital): Trao đổi và làm giàu thông tin bằng cách sử dụng phân tích nâng cao (advanced analytics), trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning) nhằm tạo ra thông tin chi tiết có ý nghĩa.
- Kỹ thuật số đến vật lý (Digital to Physical): Cung cấp thông tin tự động và hiệu quả hơn phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản lý.
C. Tác động của Công nghệ đột phá: Từ Chuỗi cung ứng tuyến tính đến Mạng cung ứng kỹ thuật số
Chức năng của bất kỳ chuỗi cung ứng nào đều tập trung vào luồng di chuyển của nguyên vật liệu, thành phẩm, vốn và tài sản từ nơi này đến nơi khác. Tuy nhiên, về cốt lõi, Chuỗi cung ứng bao gồm nhiều giao dịch (transactions). Đó là sự trao đổi về thời gian, tiền, thông tin hoặc hàng hoá.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và kỹ thuật số đã ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng truyền thống theo những cách đáng kể sau:
1. Giảm chi phí vận tải
Trong khi dòng chảy tuyến tính của việc thiết kế, chế tạo, và di chuyển hàng hoá vẫn không thay đổi, thì dữ liệu về các giao dịch hiện tại liên tục được cập nhật và truyền đi qua các “nút thắt” của chuỗi cung ứng.
Chính luồng thông tin thực (real-time) chủ động luân chuyển này sẽ tạo ra sự kết nối mới giữa các quy trình sơ cấp và quy trình thứ cấp (subprocessing). Dẫn đến việc chuyển đổi chuỗi cung ứng truyền thống thành mạng cung ứng hiệu quả và dễ dự đoán. Điều đó giúp cho việc định tuyến trở nên dễ dàng và năng suất hơn bao giờ hết. Nhờ vậy chi phí vận tải giảm đáng kể, thúc đẩy khả năng vận chuyển hàng đến với nhiều đối tác hơn của doanh nghiệp.
2. Thúc đẩy đổi mới liên quan đến quy trình sản xuất
Cải thiện tính linh hoạt và khả năng của thiết bị sản xuất (capital equipment) cho phép doanh nghiệp sử dụng ít thiết bị để sản xuất hơn. Khi doanh nghiệp cần ít thiết bị hơn, quy mô hiệu quả tối thiểu (Minimum Efficient Scale – MES) cũng giảm đi, và sản xuất được phép phân tán, đặt ở vị trí gần với nhu cầu hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp tối thiểu được lãng phí và nâng cao hiệu suất của quy trình sản xuất
D. COVID 19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi Mạng cung ứng kỹ thuật số
Năm 2020 được đánh dấu với sự bùng phát của đại dịch COVID 19. Tác nhân này đã và đang có những ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến nền kinh tế Thế Giới, đặc biệt là chuỗi cung ứng. Đối với những doanh nghiệp sở hữu chuỗi cung ứng truyền thống, đây hẳn là giai đoạn vô cùng khó khăn khi nguồn cung mất đi tính bền vững, các nút cung ứng mất kết nối. Từ đó, doanh nghiệp đối diện với nhiều hậu quả trong sản xuất và tồn kho.
Tuy nhiên, khi mỗi nút cung ứng trở nên có khả năng hơn và được kết nối, chuỗi cung ứng sụp đổ thành một mạng lưới cung cấp năng động, tích hợp. Mạng cung ứng kỹ thuật số khắc phục sự trì hoãn trong quá trình phản ứng lại những thay đổi / hành động của chuỗi cung ứng tuyến tính bằng cách sử dụng dữ liệu thời gian thực để cung cấp thông tin chính xác, minh bạch hơn cho các quyết định và cho phép tăng cường hợp tác trên toàn bộ mạng lưới cung ứng.
E. Chuỗi cung ứng kỹ thuật số trong ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng nhanh
Những sự gián đoạn trong nguồn cung và thay đổi nhu cầu liên tục của người tiêu dùng dưới tác động của COVID 10 từ năm 2020 đến hiện tại cho thấy sự kém hiệu quả của chuỗi cung ứng. Điều này khiến nhiều nhà bán lẻ (retailer) nhận ra các thách thức nan giải trong việc dự báo nhu cầu và lập kế hoạch cung ứng.
Một trong những hiệu ứng nổi tiếng của Chuỗi cung ứng tuyến tính chính là Hiệu ứng roi da (Bullwhip Effect). Hiệu ứng roi da phản ánh chân thật tình trạng khếch đại thông tin về nhu cầu thị trường qua từng giai đoạn. Khiến các doanh nghiệp khó nắm bắt chính xác lượng cầu. Dẫn đến khả năng đáp ứng chênh lệch với nhu cầu.
Nếu chuỗi cung ứng truyền thống khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nắm bắt thông tin chi tiết về nhu cầu từ thị trường thì mạng cung ứng kỹ thuật số hoàn toàn khắc phục được độ trễ của thông tin.
Mạng cung ứng kỹ thuật số nắm giữ mạng thông tin tại tất cả các khâu trong luồng di chuyển của hàng hoá nhằm phục vụ cho việc ra quyết định tại mọi thời điểm. Giả sử như tình trạng hết hàng đang diễn ra tại Thành Phố Hồ Chí Minh sẽ kích hoạt chế độ định tuyến tự động ngay lập tức tại tỉnh Bình Dương. Thông tin chuẩn xác và quyết định tự động của hệ thống sẽ giúp cho sự luân chuyển hàng hoá trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn thay vì được lưu giữ trong kho.
Tóm lại, với Mạng cung ứng kỹ thuật số, bản chất tuần tự, không linh hoạt của chuỗi cung ứng bán lẻ truyền thống được thay thế bằng một mô hình đa chiều. DSN có thể sắp xếp linh hoạt các quyết định về kiểm kê và thực hiện trên toàn bộ mạng lưới để tối ưu hóa chất lượng và chi phí dịch vụ một cách thông minh. Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa con người, máy móc, phân tích theo hướng dữ liệu mang tính dự đoán và chủ động phản hồi, tạo ra một vòng lặp tự động tối ưu khép kín.
Nguồn: vilas.edu.vn