Những tên tuổi lớn nhất của kinh tế Nhật Bản ngày nay như Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo, Nissan đều là hậu duệ của các tập đoàn tài chính và công nghiệp, thường được gọi là Zaibatsu, đã từng thống trị nền kinh tế nước này từ đầu giai đoạn công nghiệp hóa cho đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2.

Cải cách Minh Trị: Cuộc cải cách lật ngược xã hội Nhật Bản

Năm 1968 đánh dấu một dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên Thiên Hoàng Mutsuhito tiếp quản đầy đủ quyền lực mà chế độ Mạc Phủ Tokugawa để lại và tự tay thành lập chính quyền mới. Chính quyền do Thiên Hoàng Mutsuhito – người sau này sẽ được cả thế giới biết đến với tên gọi Thiên Hoàng Meiji (Minh Trị) – chủ trương tiến hành các cải cách toàn diện nhằm xóa bỏ chế độ phong kiến, hiện đại hóa xã hội và bắt kịp các quốc gia phương Tây.

Một trong những biện pháp có sức ảnh hưởng lớn nhất là việc chính quyền mới đã đem bán đấu giá các khoản kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận của chế độ Mạc Phủ Tokugawa cho bất cứ ai trả giá cao nhất. Điều này đã cho phép tầng lớp thương nhân, trước đó vẫn còn nằm dưới đáy thang bậc của xã hội, bước thẳng vào vị trí trung tâm của tiến trình công nghiệp hóa non trẻ và đầy triển vọng.

Tiến trình công nghiệp hóa và sự nổi lên của các tập đoàn tài phiệt Zaibatsu ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Một xưởng dệt may tại Osaka. Nguồn ảnh: khanacademy.org

Quá trình cải cách được đẩy mạnh với việc chính quyền mới tước bỏ mọi đặc quyền của tầng lớp võ sĩ samurai, bao gồm cả việc bãi bỏ danh hiệu samurai lẫn đặc quyền tham gia quân đội của tầng lớp này, cuối cùng là hủy bỏ chính sách phát gạo theo tháng mà thay thế vào đó là trái phiếu do chính phủ phát hành một lần duy nhất.

Nhiều samurai liền mang số trái phiếu đó đem bán để có tiền bước vào thương trường, điều vừa góp phần bổ sung số lượng thương nhân, vừa hình thành nên thị trường mua bán trái phiếu mang tính toàn quốc, và cuối cùng là sự xuất hiện của các ngân hàng theo mô hình Châu Âu.

Sự hình thành của các Zaibatsu

Những thương nhân giàu có bất ngờ đứng trước một cơ hội không thể tốt hơn để trở nên giàu hơn nữa. Họ là những người vốn đã được hưởng nhiều lợi ích kinh tế dưới thời Mạc Phủ Tokugawa, chẳng hạn như gia tộc Mitsui đã phục vụ cho các Chinh Di Đại Tướng quân suốt từ thế kỉ 17 thông qua mạng lưới đổi tiền và các cửa hàng may mặc, hình thành nên số tài sản khổng lồ trị giá khoảng 781 nghìn ryo vào năm 1842.

Gia tộc Mitsu đã nhanh chóng tuyên thệ trung thành với chính quyền mới để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. Với tài sản, kinh nghiệm và mạng lưới sẵn có, gia tộc Mitsui được chính quyền mới tín nhiệm giao cho nhiều vị trí tài chính quan trọng như môi giới giao dịch của Cục ngân khố quốc gia ngay từ năm 1868 hay đứng ra phát hành số trái phiếu chính phủ trị giá 30 triệu ryo. Bước chuyển mình quyết định được thực hiện vào năm 1876, khi gia tộc Mitsui thành lập ngân hàng Mitsui, một trong những ngân hàng đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản.

Mitsui là một Zaibatsu điển hình, hội đủ các yếu tố như mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền trung ương, bị chi phối bởi một gia đình, xuất phát từ ngành kinh doanh trung tâm (trong trường hợp này là tài chính) rồi sau đó mở rộng ra hàng loạt các địa hạt khác.

Cũng trong năm 1876, gia tộc Mitsui thành lập thêm công ty Mitsui Bussan, chuyên về mua bán, giao dịch hàng hóa, chẳng hạn như than đá và nông sản. Rất nhanh chóng, Mitsui Bussan trở thành nhà giao dịch hàng hóa lớn nhất Nhật Bản, thay thế vai trò các doanh nghiệp nước ngoài trong việc nhập và xuất khẩu hàng hóa.

Trước khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, Mitsui đã mở rộng hoạt động sang hầu khắp các lĩnh vực thiết yếu như bảo hiểm, may mặc, chế biến thực phẩm, đường, chế tạo máy, một mô hình mà nhiều nhà kinh tế so sánh với kim tự tháp trong đó các công ty then chốt có mối quan hệ chặt chẽ với công ty mẹ trong khi hàng chục công ty con nhỏ yếu hơn được đặt xuống bên dưới.

Tiến trình công nghiệp hóa và sự nổi lên của các tập đoàn tài phiệt Zaibatsu ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Chuyến tàu đường sắt đầu tiên của Nhật Bản chạy từ Shinbashi, Tokyo tới Yokohama, năm 1872. Nguồn ảnh: nippon.com

Mitsubishi là một trường hợp đáng chú ý khác. Nhà sáng lập Mitsubishi là ông Iwasaki Yataro, vốn là con cháu của một dòng họ Samurai danh tiếng và bản thân Iwasaki Yataro đã làm việc nhiều năm cho gia tộc Yamauchi hết sức thế lực ở vùng Shikoku.

Khi cuộc cải cách Minh Trị bắt đầu, thay mặt cho gia tộc Yamauchi, Iwasaki Yataro thành lập công ty vận tải đường thủy Tsukumo vào năm 1870 và đến năm 1873 đổi tên thành Mitsubishi. Nhờ các mối quan hệ của gia tộc Yamauchi, Mitsubishi ngay lập tức nhận được các hợp đồng vận chuyển thiết bị quân sự và binh sĩ của chính phủ.

Năm 1875, chính quyền trung ương Nhật Bản trợ cấp 200 nghìn yên cho Mitsubishi để mở đường vận tải thủy đến Thượng Hải, đồng thời trả thêm cho công ty một quỹ dự phòng trị giá 30 nghìn yên. Tháng 5 năm 1875, chính phủ Nhật Bản bán hết số tàu hơi nước cho Mitsubishi và trợ cấp cho công ty này 250 nghìn Yên mỗi năm, điều đã góp phần tạo nên thế độc quyền mang tính quốc gia của Mitsubishi trong ngành vận tải đường thủy.

Tiến trình công nghiệp hóa và sự nổi lên của các tập đoàn tài phiệt Zaibatsu ở Nhật Bản - Ảnh 3.

Cảng Nagasaki, nguồn ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ

Không dừng lại ở thị trường vận tải thủy, Mitsubishi đã mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp nặng bằng cách thành lập Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi vào năm 1884, sau đó là lĩnh vực tài chính với ngân hàng Mitsubishi năm 1919.

Sự chi phối của các Zaibatsu với nền kinh tế đế quốc Nhật Bản

Các Zaibatsu là sản phẩm trực tiếp của cuộc cải cách Minh Trị và phát triển bùng nổ cùng với các chiến dịch quân sự của Nhật Bản tại Đông Á và Đông Nam Á vào đầu thế kỉ 20. Sự mở rộng lãnh thổ của đế quốc Nhật Bản, nguồn cung cấp tài nguyên thô dồi dào từ các thuộc địa, ưu thế tuyệt đối tại thị trường chính quốc, kĩ năng quản trị hiện đại, tất cả các yếu tố đó đã giúp một số ít công ty vươn mình lên thành các tập đoàn tài phiệt Zaibatsu.

Tiến trình công nghiệp hóa và sự nổi lên của các tập đoàn tài phiệt Zaibatsu ở Nhật Bản - Ảnh 4.

Xưởng dệt tơ tằm Tomioka, tỉnh Gunma. Nguồn ảnh: nippon.com

Các nhà lịch sử kinh tế học đã phân chia các zaibatsu thành hai nhóm, nhóm một quyền lực hơn cả bao gồm chỉ 4 công ty là Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo, và Yasuda.

Nhóm hai bao gồm các công ty tuy hùng mạnh nhưng vẫn ở thế yếu hơn như Kawasaki, Nissan, Nomura, Fujita, Furukawa …

Năm 1937, 14 Zaibatsu hàng đầu kiểm soát 25% ngành chế tạo và khai khoáng, 27% ngành công nghiệp nặng, 30% ngành chế tạo máy, 30% ngành hóa chất, 20% ngành sản xuất kim loại. Các Zaibatsu giữ vị trí trung tâm và là trái tim của toàn bộ nền kinh tế đế quốc Nhật Bản, có mối quan hệ chặt chẽ và được nâng đỡ bởi chính quyền trung ương nhằm duy trì bộ máy chiến tranh và năng lực sản xuất thời chiến.

Sự giải thể của các Zaibatsu

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Đồng Minh chiếm đóng Nhật Bản và ngay lập tức thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm làm suy yếu hệ thống Zaibatsu vốn được xem như một phần quan trọng của đế quốc Nhật Bản.

Các Zaibatsu được tái tổ chức bằng cách chia nhỏ thành nhiều công ty hoạt động độc lập với nhau mặc dù có thể vẫn còn giữ tên gọi ban đầu. Trong những năm đầu hậu chiến, các công ty này bị cấm buôn bán hoặc hợp tác với nhau, tuy nhiên sau đó các quy định dần được nới lỏng và dỡ bỏ.

Bất chấp việc bị phá vỡ thành nhiều mảng khác nhau, các công ty như Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo và Nissan vẫn phát triển mạnh mẽ để tiếp tục chi phối và dẫn dắt kinh tế Nhật Bản cho đến tận ngày nay.

Nguồn: vtv.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *