Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) đang là lực đẩy đối với hợp tác thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ. Trên cơ sở này, dù có khó khăn do dịch Covid-19, nhưng doanh nghiệp hai nước đang tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu.

Triển vọng lớn

Tại buổi tọa đàm trực tuyến thương mại Việt – Bỉ mới đây, chia sẻ về thị trường Bỉ, ông Andries Gryffoy- Chủ tịch Hiệp hội Thương mại, liên minh Bỉ- Việt (BVA) – nhận định, cơ hội để DN Việt Nam thúc đẩy hàng hóa sang Bỉ rất rộng mở, bởi Bỉ đang có nhu cầu lớn về nông sản, thủy sản, các sản phẩm thủ công truyền thống… vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tại châu Âu.

Ngược lại EU trong đó có Bỉ lại rất mạnh về công nghệ, năng lượng là các lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn nhằm phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Cùng với đó, doanh nghiệp (DN) Bỉ khá tương đồng với DN Việt Nam về quy mô, lao động Việt Nam có kỹ năng, chất lượng không thua kém lao động Bỉ… đây sẽ là nền tảng giúp DN hai nước nhanh chóng kết nối, thúc đẩy hợp tác kinh doanh, khai thác mạnh mẽ cơ hội từ EVFTA.

Trong giai đoạn kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Andries Gryffo – cho rằng, để ngăn chặn sự đứt gãy của hợp tác thương mại, Chính phủ cũng như tổ chức thương mại hai nước cần tăng cường tổ chức các sự kiện giao thương, xúc tiến xuất khẩu trực tuyến thường xuyên hơn để DN tận dụng các lợi ích mà EVFTA mang lại. “DN của EU rất ủng hộ EVFTA, trong đó DN Bỉ rất kỳ vọng sẽ tìm được các đối tác tốt, tin cậy tại Việt Nam. Do đó, trước khó khăn do dịch Covid-19, chúng ta cần phải kiên nhẫn thiết lập mối quan hệ kinh tế lâu dài, bền vững trong tương lai ”- ông Andries Gryffo cho hay.

Hiện khu vực ASEAN chỉ có Việt Nam và Singapore ký kết FTA chung với EU, vì vậy, theo khuyến nghị của ông Dương Minh Trí- Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại, liên minh Bỉ-Việt, trước mắt để tiếp cận thị trường Bỉ, Việt Nam cần tận dụng mạng lưới DN của người Việt tại Bỉ để tìm hiểu thị trường cũng như kết nối kinh doanh với DN Bỉ. Mặt khác, DN trong nước phải chủ động tìm hiểu văn hóa tiêu dùng, xu hướng và các thay đổi của thị trường Bỉ trong đại dịch để xây dựng chiến lược marketing phù hợp, cũng như đầu tư sản xuất, xuất khẩu đúng hướng. Ngay trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, DN Việt Nam nên tranh thủ thời gian chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để xâm nhập thị trường Bỉ sau này.

Cầu nối thương mại Việt-Bỉ

Nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Bỉ, cũng như hướng đến sự hợp tác lâu dài và bền vững về kinh tế, văn hóa giữa hai quốc gia, Hội Doanh nhân quốc tế Việt-Âu, thuộc Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cùng với Hiệp hội Thương mại, liên minh Bỉ-Việt sẽ thành lập Ngôi nhà thương mại Việt-Âu tại Bỉ vào tháng 12/2021. Theo đó, đây sẽ là địa chỉ để DN Việt Nam gặp gỡ với DN Bỉ và EU, tổ chức các sự kiện, triển lãm giới thiệu sản phẩm Việt Nam với châu Âu và thế giới, qua đó tăng cơ hội xuất khẩu, hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với châu Âu.

Ông Philippe Vermeulen- Chủ tịch Tập đoàn Avalon, đại diện Ngôi nhà thương mại Việt-Âu cho biết thêm, Ngôi nhà thương mại Việt-Âu còn là văn phòng đại diện cho các DN Việt Nam triển khai các kế hoạch kinh doanh, ủy quyền để đại diện Ngôi nhà thương mại Việt-Âu thực hiện hợp tác thương mại với các đối tác Bỉ và EU, đây cũng là nơi để DN Việt Nam tìm hiểu sâu hơn các tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Bỉ và EU.. “Việc tìm hiểu giá cả, chất lượng hàng hóa là các yếu tố DN Bỉ rất quan tâm, vì thế, ngôi nhà thương mại sẽ là địa chỉ tin cậy để DN Bỉ tiếp cận trực tiếp sản phẩm Việt Nam, hạn chế tình trạng hàng hóa xuất khẩu bị trả về, do không đáp ứng yêu cầu của đối tác”- ông Philippe Vermeulen nói.

Với mạng luới hơn 1.000 DN tham gia kết nối kinh doanh, bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Hội Doanh nhân quốc tế Việt-Âu cho biết, thời gian tới, trên cơ sở hợp tác với Hiệp hội Thương mại, liên minh Bỉ-Việt, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến xuất khẩu, tạo cầu nối để DN trong nước tiếp cận nhiều hơn với các đối tác Bỉ cũng như EU. “Tuy nhiên, để các hoạt động, chương trình đạt hiệu quả tốt hơn, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương thông tin về chính sách, định hướng thị trường xuất khẩu, phổ biến các thủ tục pháp lý kinh doanh quốc tế và các cam kết của EVFTA”- bà Thanh nhấn mạnh.

Bỉ được coi cửa ngõ, là trung tâm kinh tế, chính trị của châu Âu và là tâm điểm trung chuyển hàng hóa của khu vực nhờ hệ thống tàu cảng thuận lợi. Ngoài ra, Bỉ là quốc gia đa ngôn ngữ nên doanh nghiệp (DN) của quốc gia này có mạng lưới kết nối kinh doanh trong toàn bộ khối châu Âu. Đối với Việt Nam, Bỉ đã xây dựng mối quan hệ thương mại, đầu tư phát triển rất tích cực trong suốt thời gian qua.

Nguồn: Báo Công Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *